Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen: Rủi ro cao khi làm thực phẩm theo chuỗi
Lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất thực phẩm như rau, củ, quả… rất khó thu hút DN tham gia vì đầu tư lớn, lợi nhuận ít mà rủi ro lại cao. Rau, củ, quả dễ hư hỏng, thời gian bảo quản ngắn, không tiêu thụ được phải bỏ nên rất ít DN hào hứng. Thế nhưng giá cả của nông sản an toàn cũng không cao hơn so sản xuất thông thường là bao, nên có khi bán cả tấn rau củ quả mới được vài triệu đồng. Hơn nữa, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng rất khó tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng. Mang hồ sơ đến các ngân hàng, xin vay để đầu tư vào nông nghiệp là họ không mặn mà rồi.
Một mô hình trồng rau thủy canh siêu sạch. ảnh:I.T
Không những khó khăn về tiếp cận vốn mà việc quy tụ ruộng đất để canh tác lớn cũng khó quy hoạch vì sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc còn manh mún.
Ông Trần Mạnh Chiến – Giám đốc chuỗi cửa hàng bác Tôm: Cần hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thực phẩm sạch
Các cơ sở được xác nhận sản xuất an toàn phải được giám sát chất lượng định kỳ theo Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27.2.014 về quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương pháp quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ (theo đó sẽ kiểm tra lấy mẫu 1 năm/lần đối với cơ sở xếp loại A và 6 tháng/lần đối với cơ sở loại B). Tuy nhiên, kinh phí để lấy mẫu giám sát rất lớn, 5 – 7 triệu/lần/mẫu. Tự DN bỏ tiền ra phân tích mẫu thì không đủ tiềm lực về tài chính. Chúng tôi kiến nghị nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho sản phẩm an toàn trong giai đoạn quảng bá thương hiệu sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Luyến – Giám đốc HTX rau an toàn Tự Nhiên (Sơn la): Chưa nhận được chính sách ưu đãi
Để hỗ trợ DN, hợp tác xã mua máy móc cơ giới hóa trong nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14.11.2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, việc tiếp cận chính sách vẫn còn rất nhiều hạn chế, bản thân các DN cũng loay hoay trong thực hiện. Chính sách về thuế theo Luật số 71/2014/QH13 cũng đang gây bất lợi cho DN sản xuất máy kéo, máy nông nghiệp vì các mặt hàng này bị chuyển sang đối tượng không chịu thuế, không được khấu trừ VAT mua nguyên vật liệu.
Bà Vũ Thị Vân Phượng – Tổng giám đốc Công Ty Đầu tư Thương mại Vietrap: Xử nghiêm cơ sở mượn “mác” an toàn để làm bậy…
Chỉ riêng DN nỗ lực sẽ không đủ mà còn cần sự phối hợp ở phía quản lý nhà nước. Chúng tôi cần có sự hướng dẫn của Sở NNPTNT đối với những hộ nông dân, trang trại muốn sản xuất theo chuỗi cung ứng nông sản sạch và xây dựng quy trình nuôi, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, cần Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản duy trì định kỳ và đột xuất xác nhận các hộ nông dân, trang trại đó đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hay chưa.
Phía Sở Công Thương hỗ trợ hình thành các chuỗi cửa hàng bán nông sản sạch nằm gần các khu trung tâm đông dân cư, gần các chợ. Làm cho người tiêu dùng biết, nhận diện thương hiệu của các chuỗi cửa hàng này. Đồng thời, xử lý thật nghiêm những cơ sở mượn “mác” an toàn để làm ăn bậy bạ, gây nhiễu loạn, mất lòng tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến các cơ sở, người dân làm ăn chân chính khác.