Dân Việt

TP.HCM vay thêm 400 triệu USD để chống ngập

Ngọc Phạm 11/05/2016 07:00 GMT+7
400 triệu USD là số tiền mà TP.HCM sẽ vay từ một thành viên của Ngân hàng Thế giới để phục vụ công tác chống ngập giai đoạn 2016 - 2021.

img

UBND TP.HCM cho biết, tới năm 2025 sẽ giải quyết triệt để tình trạng ngập nước do mưa và giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do lũ và triều, có xét đến hiện tượng mực nước biển dâng cao trong tương lai trên toàn thành phố.

Chủ tịch UBND TP.HCM vừa phê duyệt dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM giai đoạn 2015 - 2021 do UBND thành phố chủ quản.

Theo đó, tổng số vốn để thực hiện dự án trong 6 năm là 437 triệu USD, bao gồm 400 triệu USD vay từ Ngân hàng Tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và 37 triệu USD từ nguồn vốn đối ứng của thành phố.

Theo nội dung dự án, hàng loạt công trình quy mô sẽ được thực hiện trong giai đoạn này, như xây dựng 6 trạm giám sát chất lượng nước dọc các kênh, xây dựng thêm bờ kè, cống điều tiết, cống bao và cải tạo hệ thống thoát nước.

Bên cạnh đó, dự án còn lắp đặt 5 trạm khí tượng, 1 trạm radar thời tiết, 80 trạm đo lượng mưa và 20 trạm đo thủy văn, nâng cấp mô hình khí tượng và mô hình dự báo lũ, thành lập trung tâm điều hành thu thập, lưu trữ, phổ biến các thông tin liên quan đến lũ lụt.

img

Trong năm 2015, nhiều đoạn đường đã bị ngập sâu sau khi có mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường dâng cao.

UBND TP.HCM cho biết, dự án được thực hiện sẽ giúp khoảng 14.900 hecta đất được bảo vệ khỏi các trận lụt có tần suất ngập 10 năm, giúp khoảng 2 triệu người (tính đến năm 2020) sống ở tiểu lưu vực được tiếp cận các tiện ích vệ sinh môi trường.

Trước đó, theo báo cáo 5 năm thực hiện Chương trình chống ngập nước giai đoạn 2010 - 2015 của UBND TP.HCM, các đơn vị đã xóa giảm được 49/58 điểm ngập do mưa, 24/26 điểm ngập do triều cường.

Tính tới cuối năm 2015, TP.HCM còn một số điểm ngập ở đường Ung Văn Khiêm, Phan Anh, Bạch Đằng, Nguyễn Xí, Quốc lộ 13 (đoạn Ung Văn Khiêm - hẻm 10), Quốc Hương, Quốc lộ 13 (cầu Ông Dầu - ngã tư Bình Phước), Quốc lộ 1A, Mễ cốc 2, Lưu Hữu Phước.

Ngoài ra, do quá trình phát triển đô thị, đường Võ Văn Kiệt sau khi đưa vào sử dụng và hình thành các khu dân cư 2 bên đường, hệ thống thoát nước bị quá tải, gây ra 29 điểm ngập. UBND TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý 21/29 điểm, còn 8/29 điểm tiếp tục xử lý từ năm 2016.