Theo phân tích của TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, có ba nguyên nhân chính khi các đại gia Việt “bị xuất hiện” trong Hồ sơ Panama.
Đó là đăng ký doanh nghiệp ở các thiên đường thuế (tax haven) rồi đầu tư lại vào Việt Nam dưới hình thức đầu tư nước ngoài hoặc thâu tóm/mua lại nhà đầu tư nước ngoài, tránh thuế và chuyển tiền ra nước ngoài.
Ông Thành giải thích thêm, ý nghĩa thực sự của thiên đường thuế là nơi trú ấn thuế. Mục đích của doanh nghiệp thành lập ở đây nhằm sử dụng dịch vụ của Mossac Fonseca, trong đó có mục đích để tránh thuế.
TS Thành phân tích: “Các doanh nghiệp loại “shell company” (doanh nghiệp vỏ bọc) mà Mossac Fonseca tư vấn thành lập tại các “tax haven” (thiên đường thuế) sẽ giúp giảm gánh nặng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và giúp thúc đẩy tránh thuế qua hoạt động chuyển giá. Doanh nghiệp và nhà đầu tư dùng dịch vụ của Mossac Fonseca để tránh thuế (có thể là trốn thuế bất hợp pháp có thể là tránh thuế hợp pháp)”.
Đối với các cá nhân muốn tránh thuế, họ có nhiều cách thực hiện dễ dàng ở Việt Nam hơn là phải dùng dịch vụ đắt đỏ của Mossac Fonseca.
Điều đáng nói, dịch vụ của Mossac Fonseca không giúp được những đại gia chuyển tiền ra nước ngoài. “Muốn chuyển tiền ra nước ngoài, doanh nghiệp, nhà đầu tư phải thỏa mãn các quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Dịch vụ của Mossac Fonseca chỉ giúp họ giữ tiền ở nước ngoài”, ông Thành phân tích.
Ví dụ, người Việt bán doanh nghiệp của mình ở trong nước cho người nước ngoài thông qua dịch vụ của Mossac Fonseca. Giao dịch này nếu được thực hiện tại một thiên đường thuế thì không phải đóng thuế.
“Cần lưu ý, việc chuyển tiền ra nước ngoài thuộc quản lý của NHNN, không phải của Tổng cục Thuế. Với các nước đặc biệt là các nước phát triển, việc chuyển tiền ra nước ngoài dễ, nhưng quản lý thuế rất chặt chẽ. Còn ở Việt Nam ngược lại: Chuyển tiền ra nước ngoài khó, tránh/trốn thuế trong nước thì dễ”, ông Thành nhận định.
Theo TS Thành, thực tế, những tài sản mà khách hàng của Mossac Fonseca chuyển ra các thiên đường thuế không phải đều là tiền bẩn (có từ buôn lậu, tham nhũng…) và cũng chưa có quốc gia nào cấm việc mở các offshore/shell company (công ty vỏ bọc, công ty ngoại biên) ở nước ngoài để quản lý tài sản.
Rất nhiều quỹ đầu tư, cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới, sử dụng công ty ngoại biên làm pháp nhân cho số tiền họ quản lý. Nhiều cá nhân giàu có cũng có các tài khoản nước ngoài vì những lý do hoàn toàn hợp pháp, không liên quan gì đến trốn thuế hay rửa tiền.
Hình thức công ty ngoại biên phổ biến nhất là “holding company”, nghĩa là một công ty không sản xuất/kinh doanh gì mà chỉ giữ tiền mặt và/hoặc các loại tài sản khác (cổ phiếu, bất động sản…).
Thông thường một nhà cung cấp dịch vụ như Mossac Fonseca sẽ giúp khách hàng làm thủ tục mở công ty ngoại biên làm đại diện pháp lý cho công ty đó, thậm chí cử người hay trực tiếp quản lý tài sản cho khách hàng. Trước đây, các thiên đường thuế khá dễ dãi nên những công ty dịch vụ như Mossac Fonseca thậm chí không cần giấy tờ chứng minh của khách hàng, cho nên tên tuổi khác hàng có thể là giả.
Nói như thế không có nghĩa là Mossac Fonseca vô tội, không liên quan gì đến các hành vi phạm pháp (trốn thuế, rửa tiền) của khách hàng. Một cáo buộc quan trọng của nhóm phóng viên điều tra vụ Panama papers đã khiến một số công ty/cá nhân/quốc gia bị Mỹ cấm vận thực hiện việc di chuyển và quản lý tài sản.
Thành lập offshore company không phải hoạt động phi pháp Công ty offshore (công ty ngoại biên) được nhiều ưu đãi đặc biệt ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc thành lập và sử dụng các công ty này không phải là phi pháp. Ví dụ, công ty A muốn chuyển sản xuất từ Mỹ sang một quốc gia nhỏ ở Caribbean, mục đích của họ có thể rất hợp pháp. Đó là họ có thể trả thuế thấp hơn, và đầu tư số tiền tiết kiệm được vào phát triển doanh nghiệp. Nó cũng có thể làm lợi cho cả những người bình thường, như giúp giữ tài sản ở nước khác. Người ta cũng có thể dùng công ty nước ngoài để tối thiểu hóa các thủ tục di chúc. Sở hữu một tài sản ở nước ngoài cũng có nghĩa khi bạn qua đời, việc thừa kế sẽ giải quyết theo luật pháp nước đó. Trong một số trường hợp, nó sẽ giúp loại bớt các điều luật không theo ý của bạn. Mở công ty ở nước ngoài cũng là cách bảo vệ tài sản khá hữu hiệu. Đặt danh mục đầu tư tại một công ty trách nhiệm hữu hạn ở nước ngoài chưa chắc giúp bạn thay đổi được thuế phải nộp. Tuy nhiên, nó sẽ là rào cản để bạn tránh được các vụ kiện tụng liên quan đến tài sản. Cuối cùng, bạn có thể không quan tâm đến bảo vệ tài sản. Nhưng đa dạng hóa đầu tư ra nước ngoài cũng là lựa chọn hấp dẫn. Thành lập một thực thể ở nước ngoài có thể hỗ trợ việc này. Tuy nhiên, các công ty nước ngoài có nhiều ưu đãi đặc biệt ở các vùng lãnh thổ quốc gia có thể bị lợi dụng để thực hiện hành vi phạm pháp. Ranh giới giữa được giảm thuế hợp pháp và trốn thuế rất khó phân định, đặc biệt trong trường hợp không thể tiếp cận đầy đủ thông tin tài chính. Các công ty nước ngoài ra đời càng làm nhòe thêm ranh giới này. Phương Hà (Tổng hợp theo offshoresun.com) |