Thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng lò giết mổ tập trung theo đề án phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, bà Tiết Thị Tố Như đã đầu tư xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm khép kín, hiện đại bậc nhất miền Tây (tại phường 8, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) với số vốn lên đến 30 tỷ đồng.
Thế nhưng, sau 6 tháng đi vào hoạt đồng, chủ lò mổ này buộc lòng phải treo bản bán toàn bộ cơ sở để… trả nợ, do sự thờ ơ của chính quyền địa phương.
Doanh thu 2 triệu đồng/ngày, trả lãi 220 triệu/tháng
Theo hồ sơ phóng viên Dân Việt có được: Ngày 12.8.2014, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ra Quyết định số 841/QĐHC-CTUBND về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2013 – 2020, tỉnh Sóc Trăng. Mục tiêu đảm bảo 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thực hiện phương thức giết mổ treo bán công nghiệp.
Lò giết mổ gia súc tập trung được đầu tư với kinh phí 30 tỷ đồng của bà Như vắng hoe. Ảnh Đức Khánh
Trên tinh thần quyết định 841, kêu gọi đầu tư của tỉnh, tháng 5.2015, bà Như vay vốn ngân hàng gần 30 tỷ đồng tiến hành xây dựng lò giết mổ có quy mô hoành tráng trong khuôn viên rộng 12ha; công suất thiết kế bình quân mỗi ngày giết mổ 800 con heo; 300 con trâu, bò; 3.000 con gia cầm… đầu tháng 12.2015 lò giết mổ chính thức đi vào hoạt động.Công suất thiết kế là vậy, thế nhưng sau 6 tháng đi vào hoạt động, bình quân nơi đây chỉ tiếp nhận lẹt đẹt khoảng 80 con heo/ngày; 1-2 con trâu bò…
“Chúng tôi là doanh nghiệp làm ăn chân chính, ủng hộ chủ trương chính sách của tỉnh, sau khi bỏ vốn đầu tư 30 tỷ đồng, lò mổ đi vào hoạt động nhưng chính quyền địa phương hoàn toàn không có hướng gì tạo điều kiện, ủng hộ cho doanh nghiệp làm ăn” – ông Lý Minh Chánh (chồng bà Như) bức xúc.
Ông Chánh cho biết thêm: “Nếu hoạt động đúng với công suất thiết kế thì 10 năm mới trả hết lẫn lãi và vốn vay ngân hàng. Mỗi ngày doanh thu không quá 2 triệu đồng, trong khi hàng tháng phải đóng lãi ngân hàng lên đến 220 triệu đồng, chưa kể nào là: Tiền thuốc men xử lý vệ sinh, điện, nước, tiền thuê nhân công…doanh số như vậy thử hỏi doanh nghiệp làm sao sống nổi? Tính đến nay doanh nghiệp lỗ hơn 4 tỷ đồng”.
Doanh nghiệp kêu cứu
Được biết, nội dung và nhiệm vụ của đề án nêu rõ: Giai đoạn từ năm 2013 – 2015: Tiến tới chấm dứt hoạt động của các điểm giết mổ nhỏ, lẻ trên địa bàn tỉnh, di dời tất cả cơ sở giết mổ tập trung nằm trong khu dân cư và gây ô nhiễm môi trường đến địa điểm thích hợp; cải tạo, nâng cấp quy mô 3.000m2, công suất giết mổ 50 con heo/ngày và từ 300 – 400 con gia cầm/ngày…
Nhiệm vụ của đề án nêu rất rõ, cụ thể và có lộ trình hẳn hoi thế nhưng đến nay một số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm trong lộ trình buộc di dời được tiếp tục hoạt động, bất chấp sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Trong số đó, nổi cộm nhất là lò giết mổ của bà Diệp Thị Bảy tại ấp Tâm Phước, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên.
Trong công văn gởi Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng, ông Đào Đắc Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên thừa nhận: “Đến năm 2009, chủ cơ sở có dự án mở rộng cơ sở giết mổ để tăng công suất lên 200 – 220 con/ngày đêm, dự án này chưa được phê duyệt của cấp có thẩm quyền, xong do nhu cầu giết mổ, công suất giết mổ thực tế tại cơ sở khoảng 180 – 220 con/ngày đêm cho đến nay”.
Ông Chánh treo biển bán đất, bán toàn bộ cơ sở để trả nợ ngân hàng. Ảnh Đức Khánh
Ngày 10.5, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn An Thanh – Trưởng trạm thú y huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Ngày 8.7.2015, bà Bảy có làm tờ trình gởi các cơ quan chức năng xin yêu cầu phải có lộ trình di dời đến hết năm 2015, nhưng đến nay cơ sở này vẫn chưa thực hiện theo yêu cầu đã trình bày trước đây cũng như chưa chấp hành theo quyết định 841 của UBND tỉnh”.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.Sóc Trăng Trần Hoàng Hợp đã có công văn gởi UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị: Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo việc đình chỉ hoạt động các điểm giết mổ nhỏ lẻ, các cơ sở giết mổ trong khu dân cư ô nhiễm môi trường chưa chấp hành việc đầu tư cải tạo và di dời theo nội dung đề ra. Nhằm khai thác hết công suất đầu tư, hiệu suất hoạt động cũng như hiệu quả kinh tế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nông thôn.
“Mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp chúng tôi yêu cầu UBND tỉnh thực hiện theo đúng tinh thần của Quyết định 841. Hiện doanh nghiệp đang đi vào ngõ cụt, nợ nần chồng chất, kéo theo nhiều hệ lụy và đang treo biển bán toàn bộ cơ sở để trả nợ” – ông Chánh ngậm ngùi.