Muốn được minh oan
Trước việc VTV xử lý sự việc trên, nhiều người dân trồng rau ở thôn 3, xã Vĩnh Thành đã lên tiếng, bày tỏ quan điểm, nguyện vọng. Ông Khương Văn Tước (45 tuổi), ở thôn 3, Vĩnh Thành, thẳng thắn: “Việc VTV đình chỉ cô Phương là một chuyện, vì đó là cách giải quyết riêng của cơ quan quản lý cô ấy. Tuy nhiên, VTV chỉ mới đăng tải thông tin trên trang web của họ là chưa đủ. Chúng tôi cần VTV phải chính thức phát sóng xin lỗi và cải chính vụ việc này để minh oan cho chúng tôi”.
Còn ông Nguyễn Đình Anh (51 tuổi), cũng ở thôn 3, Vĩnh Thành, nói: “Đài truyền hình Việt Nam đã có quyết định đình chỉ công tác với cô Phương và gửi công văn về cho huyện, xã là đúng. Nhưng đó mới chỉ là góc độ công văn và đăng tải trên trang báo điện tử thôi. Chúng tôi đề nghị VTV phải về xác định mức độ thiệt hại về kinh tế trong những ngày qua để bồi thường cho chúng tôi”.
Người dân thôn 3, xã Vĩnh Thành, Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) phản ánh vu việc với phóng viên. Ảnh Hồng Đức
Cũng theo nhiều ý kiến của người dân ở Vĩnh Thành, phóng sự mà VTV3 đã phát ngày 3.5 vừa qua, không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho người dân trồng rau ở thôn 3, mà tất cả các hộ dân trồng rau ở xã Vĩnh Thành đều bị ảnh hưởng.
Có thể đòi bồi thường?
Xung quanh sự việc nói trên, ngày 12.4, trao đổi với NTNN, bà Vũ Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, cho biết: “Hiện tại, huyện đã giao cho UBND xã Vĩnh Thành sẽ giải quyết sự việc theo nguyện vọng của bà con nhân dân. Nếu nguyện vọng của bà con yêu cầu VTV phải lên tiếng xin lỗi và đăng tin cải chính, thì UBND xã Vĩnh Thành phải đồng hành cùng với người dân. UBND huyện cũng sẽ đề nghị Đài truyền hình Việt Nam có ý kiến chính thức về vụ việc này”.
Còn ông Hoàng Văn Lưu - Chủ tịch Hội ND Thanh Hóa, bày tỏ quan điểm: Trong những năm qua, Hội ND tỉnh Thanh Hóa đã triển khai cho bà con nông dân (ND) trên địa bàn toàn tỉnh sản xuất và kinh doanh các loại sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) để cung cấp cho thị trường. Việc đưa thông tin sai sự thật của phóng viên VTT3 vừa qua, không chỉ ảnh hưởng đến một vài cá nhân hay một vài cơ sở sản xuất, mà còn ảnh hưởng đến cả hệ thống hội ND của tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi sẽ chỉ đạo Hội ND huyện Vĩnh Lộc và Hội ND xã Vĩnh Thành phải cùng đồng hành với người ND, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà con”.
Về khía cạnh pháp lý, luật sư Trần Thị Thúy (Công ty Luật Hợp Danh Thái Bình Dương - ĐLS Nghệ An) phân tích: Điều 28 Luật báo chí năm 1989, được sửa đổi bổ sung năm 1999 quy định: Cơ quan báo chí, nhà báo, tổ chức, cá nhân thông tin gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự. Bên cạnh đó Khoản 1, Điều 604 Bộ Luật dân sự cũng quy định: Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Căn cứ quy định trên, nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra sau khi phóng sự được phát sóng, người dân có quyền yêu cầu VTV bồi thường thiệt hại. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường thì người dân có thể khởi kiện đến tòa án, nơi có trụ sở của VTV, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Theo quy định tại Điều 618, Bộ Luật dân sự thì “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”. Các khoản bồi thường theo quy định tại Điều 608 Bộ Luật dân sự.