Để giải đáp vấn đề này, PV Báo NTNN/DÂN VIỆT đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bà có thể cho biết, kết quả triển khai gói tín dụng hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 từ Ngân hàng Nhà nước đến thời điểm này đã đạt được những kết quả gì?
- Triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn và chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) tích cực triển khai.
Tàu cá vỏ thép đầu tiên của Đà Nẵng đóng theo Nghị định 67 được hạ thủy hôm 10.3. Ảnh: I.T
Đến ngày 15.4.2016, 4 NHTM Nhà nước đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 447 tàu (đóng mới 417 tàu, nâng cấp 30 tàu) trên tổng số 1.450 tàu đã được UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay lên tới 4.502 tỷ đồng. Doanh số cho vay đóng mới, nâng cấp tàu đạt 2.642 tỷ đồng, dư nợ đến thời điểm báo cáo đạt 2.640 tỷ đồng. Việc cho vay đã tăng mạnh từ 75 con tàu cuối tháng 6.2015 lên 447 con tàu giữa tháng 4.2016.
Mặt khác, các NHTM đã triển khai cho vay vốn lưu động đối với 206 lượt khách hàng, tổng số tiền trên 64 tỷ đồng.
"Để nâng cao hiệu quả khai thác, các chủ tàu cần liên kết thành các đoàn, đội, hợp tác xã để hỗ trợ và giúp đỡ nhau trên biển, gắn việc khai thác với công tác hậu cần nghề cá và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Không khai thác trên các vùng biển thuộc chủ quyền của các quốc gia khác”. Bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh |
Một số ý kiến cho rằng, việc giải ngân vẫn còn chậm, phức tạp. Theo bà, kết quả nêu trên của các NHTM có đáp ứng đúng yêu cầu như NHNN đã đề ra?
- Nghị định 67 là bước đột phá trong chính sách phát triển ngành thủy sản từ trước đến nay, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác và hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Sau hơn 1 năm triển khai tích cực, tốc độ giải ngân của Chương trình đã tăng nhanh trong thời gian gần đây. Có được kết quả nêu trên trước hết nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực của ngành ngân hàng.
Vậy trong thời gian tới, NHNN sẽ có những giải pháp gì để thúc đẩy tiến độ triển khai gói tín dụng này, để trên vùng biển nước ta ngày càng có thêm nhiều con tàu mới?
- Thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục xác định việc triển khai cho vay đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ là nhiệm vụ chính trị của ngành và toàn ngành tích cực triển khai. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cho vay đối với các chủ tàu. Các địa phương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 67, đảm bảo cho vay đúng đối tượng là các chủ tàu đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có năng lực về tài chính.
Đối với các NHTM, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, công khai hồ sơ, thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ. Ngoài ra, công tác truyền thông về chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 cũng cần được triển khai mạnh mẽ để người dân biết và tích cực tham gia.
Nhiều ngư dân đến nay vẫn chưa hiểu hết các thủ tục để vay gói tín dụng này. Xin bà cho biết, để được vay vốn đóng mới tàu, ngư dân cần chuẩn bị những thủ tục gì?
- Để tham gia chương trình, bà con ngư dân khi có nhu cầu vay vốn nên tham khảo ý kiến tư vấn của các ngân hàng về chính sách của Nhà nước được quy định trong Nghị định 67 và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành, địa phương.
Nguồn vốn đóng mới, nâng cấp tàu là nguồn vốn vay từ các NHTM nên chủ tàu phải hoàn trả gốc và lãi khi đến hạn. Vì vậy, các chủ tàu nên tính toán kỹ phương án sản xuất và phương án vay vốn để đảm bảo hiệu quả kinh tế trong khai thác.
Xin cảm ơn bà!