Chương trình ý nghĩa
Là chuyên gia được chương trình mời đến giải đáp kiến thức sản xuất cho nông dân tại hội thảo “Nhịp cầu nhà nông”, ông Nguyễn Lân Hùng - Tổng Thư ký Hội ngành Sinh học Việt Nam cho rằng, Chương trình “Nhịp cầu nhà nông” rất ý nghĩa tạo sự gắn kết “4 nhà”- nhà khoa học, nhà nước, doanh nghiệp và nhà nông- cùng bắt tay nhau sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp nâng cao thu nhập cho người dân Thủ đô.
Ông Hùng cho biết thêm, Sở NNPTNT Hà Nội và các đơn vị, ban ngành trong lĩnh vực nông nghiệp cần tổ chức nhiều chương trình về nông nghiệp ý nghĩa hơn nữa. Qua đó không chỉ tạo sự gần gũi, kết nối giữa nhà nông và nhà khoa học mà còn nhằm cung cấp những kiến thức sản xuất cần thiết gỡ khó cho nông dân làm giàu.
Trồng rau an toàn đang mang lại thu nhập cao cho người dân xã Tân Minh, huyện Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: Trần Quang
Hội thảo có sự tham gia của 200 đại biểu là cán bộ HTX và các chủ trang trại, nông dân tiêu biểu trên địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội). Tại hội thảo, Ban cố vấn "Nhịp cầu nhà nông" là những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp đã giải đáp trên 80 câu hỏi của cán bộ, nông dân.
Đồng thời, tư vấn cho cán bộ, nông dân thêm kiến thức, kỹ năng về trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả, rau các loại; Cách nhận biết và phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn, gà, vịt, cá; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và địa chỉ mua cây, con giống uy tín, chất lượng... Đặc biệt là các cơ chế hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp của nông dân cũng được đại diện UBND huyện Thường Tín giải đáp cho bà con.
Bà Nguyễn Thị Thoa - Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết, với mục đích giúp nông dân có thêm những kỹ năng cần thiết để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập, trong những năm qua hội thảo “Nhịp cầu nhà nông” đã được Sở tăng cường tổ chức tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đến nay, Nhịp cầu đã trở nên thân thuộc với bà con, là một chương trình có ý nghĩa quan trọng, gắn kết người nông dân với các nhà khoa học, nhà quản lý, đã thu hút đông đảo bà con nông dân tham gia.
Giải cơn khát kiến thức cho nông dân
Với vai trò là chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp, ông Nguyễn Lân Hùng - Tổng Thư ký Hội ngành Sinh học Việt Nam đưa ra những lời khuyên những thắc mắc của người dân về lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, gia súc. Ông cũng trả lời rất nhiều những câu hỏi của nhiều người dân đưa lên về những bệnh thường gặp khi chăn nuôi gia súc, gia cầm tại nhà, những bệnh thường gặp của gà về mùa này như hen, hay cách điều trị cho lợn như tiêu chảy, dịch tả lợn, tai xanh và tụ huyết trùng tại bò với những cách điều trị đặc hiệu khiến bà con rất hào hứng và phấn khởi.
“Chương trình đã giúp dân được gặp trực tiếp các chuyên gia, nhà khoa học và các cấp lãnh đạo chính quyền, nhờ thế mà chúng tôi được có cơ hội được đề đạt các khó khăn về chính sách, đất đai, đặc biệt là bà con cảm thấy như đã “giải được cơn khát kiến thức” sản xuất để về tự tin làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình” Anh Nguyễn Văn Hậu |
Tại hội thảo, Ban cố vấn gồm các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện lãnh đạo Phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Hà Nội) và huyện Thường Tín nhận được trên 80 câu hỏi của nông dân về các vấn đề xoay quanh việc sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý là ông Nguyễn Văn Toàn ở Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội hỏi- Đàn gà chọi có biểu hiện ủ rũ, ăn ít, da tái nhợt, khò khè, đi khập khiễng, đi ngoài phân trắng, đã dùng thuốc bại liệt và ampicoli nhưng không đỡ. Nguyên nhân và cách khắc phục?
Đại diện ban cố vấn, PGS- TS Lê Văn Năm trả lời: Gà đã mắc bệnh Newcastle ghép ký sinh trùng máu. Biện pháp điều trị như sau, bà con nên can thiệp bằng vaccine Newcastle, cho ăn hoặc uống thêm T.Coryzine hoặc Sutrim-NT: 20g, thuốc cúm gia cầm: 20g hay thuốc giải độc gan (hoặc TA.Sorbitol +B12): 20g, hoặc có thể dùng Super vitamin: 20g. Cả 4 thuốc trộn lẫn dùng cho 100kg gà ăn hoặc uống trong ngày, liên tục 4 ngày.
Anh Nguyễn Văn Hậu xã Vân Hồng, huyện Thường Tín hỏi- Vườn cây quýt đang đến giai đoạn chuẩn bị thu hoạch bị bọ xít tấn công nhiều hỏi cách điều trị tình trạng trên?
Trả lời câu hỏi của anh Hậu, TS Cao Văn Chí (Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có múi thuộc Viện Nghiên cứu rau quả) cho rằng: Để hạn chế dịch bệnh và sâu hại tàn phá, việc đầu tiên bà con cần làm khi trồng là không nên trồng cam, quýt quá dày và phải thường xuyên cắt tỉa cành, tạo tán.
Khi đã phát hiện có sâu bệnh, bà con phải nhanh chóng cắt bỏ cành bị sâu bệnh, cành tược... để vườn cây luôn thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ của bọ xít. Đồng thời thu thập và nhử nuôi kiến vàng trong vườn cam quýt để kiến tiêu diệt bọ xít, nhất là bọ xít non.
Cũng theo TS Chí, bà con có thể dùng vợt tay để bắt bọ xít vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Đặc biệt cần thường xuyên kiểm tra trái và những lá gần trái để phát hiện và thu gom ổ trứng của chúng đem tiêu hủy.
Nếu vườn cam quýt rộng, bọ xít nhiều không thể bắt bằng vợt tay, có thể sử dụng một trong những loại thuốc như: Bascide 50EC, Hoppercin 50EC, Cyper 25EC, dầu khoáng SK, Enspray 99EC, Vibasa 50EC, Sherpa 0,2%… phun xịt để diệt.
Trò chuyện với phóng viên, anh Hậu cho rằng, hội thảo “Nhịp cầu nhà nông” do Sở NNPTNT tổ chức rất thực tế và ý nghĩa. “Chương trình đã giúp dân được gặp trực tiếp các chuyên gia, nhà khoa học và các cấp lãnh đạo chính quyền, nhờ thế mà chúng tôi được có cơ hội được đề đạt các khó khăn về chính sách, đất đai, đặc biệt là bà con cảm thấy như đã “giải được cơn khát kiến thức” sản xuất để về tự tin làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình” – anh Hậu nói.