Dân Việt

Bị cáo buộc gây tai nạn liên hoàn, tài xế kêu oan

Xuân Lực 12/05/2016 22:21 GMT+7
Trước tòa, tài xế Hồng cho rằng, trước thời điểm chiếc xe khách mình điều khiển đâm vào xe cấp cứu thì chiếc xe cứu thương đã đâm vào xe của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hải Dương.

img

Phiên tòa xét xử vụ tai nạn liên hoàn trên quốc lộ 5 kéo dài 1 ngày vẫn chưa có hồi kết

Vướng lao lý vì sự cố bất ngờ

Ngày 12.5, Tòa án Nhân dân (TAND) TP.Hải Dương (tỉnh Hải Dương) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” xảy ra trên quốc lộ 5 (đoạn đường thuộc khu vực cầu Phú Lương, thuộc địa phận xã Nam Đồng, TP. Hải Dương) hồi tháng 12.2013. Bị cáo trong vụ án này là Tạ Quang Hồng (SN 1982, Kim Bảng, Hà Nam).

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP.Hải Dương, khoảng 8h10 ngày 4.12.2013, anh Lê Văn Hải (SN 1982, ở Hải Dương) điều khiển xe máy BKS 34-086KC bất ngờ chuyển hướng sang trái, va chạm với ô tô cùng chiều do ông Nguyễn Đình Tiến điều khiển.

Ông Tiến sau đó dừng xe lại nên 3 chiếc ô tô chạy phía sau cũng dừng lại đột ngột, tuy nhiên, 4 xe ô tô không xảy ra va chạm vào nhau. Trong 4 xe có xe của VKSND tỉnh Hải Dương do ông Vũ Văn Bạt điều khiển và một chiếc xe cứu thương biển số 14A do ông Phạm Xuân Biềng cầm lái.

Khi các phương tiện vừa dừng lại thì Tạ Quang Hồng điều khiển xe ô tô khách BKS 29B đi đến. Do đi không đúng làn đường quy định và không giữ khoảng cách an toàn đối với xe phía trước cùng chiều nên đã va vào xe cứu thương, đồng thời đẩy xe này về phía trước làm toàn bộ 4 xe ô tô cùng chiều phía trước va chạm vào nhau, hư hỏng.

Vụ án sau đó được đưa ra xét xử 3 lần nhưng các cơ quan tố tụng đã không đưa ra bản án vì nhiều lý do, còn bị cáo Hồng bị bắt tạm giam gần 2 năm (từ tháng 6.2014).

Xe ô tô nào đâm đầu tiên?

Trong cáo trạng của VKSND TP.Hải Dương có nêu kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an về vụ tai nạn. Trong đó nêu rõ, không xác định được lực tác động và khoảng cách giữa các phương tiện tham gia giao thông, nên không xác định được khi xe ô tô khách của Hồng điều khiển va chạm với xe ô tô xe cứu thương thì có tạo ra được lực đẩy dồn 4 xe ô tô phía trước va chạm liên hoàn hay không; không xác định được xe ô tô khách va chạm vào phía sau xe ô tô cứu thương trước hay đầu xe ô tô cứu thương va chạm vào phía sau xe ô tô VKS trước.

Tại phiên tòa hôm nay (12.5), HĐXX, đại diện VKS và các luật sư tập trung hỏi các nhân chứng và người liên quan để làm rõ việc, chiếc xe cứu thương do ông Phạm Xuân Biềng điều khiển có va chạm với xe của VKS trước khi bị xe khách do bị cáo Hồng đâm từ phía sau hay không?

Để đảm bảo khách quan trong các lời khai, HĐXX đã cách ly các nhân chứng trong vụ tai nạn khỏi tòa.

Trả lời HĐXX, bị cáo Hồng thừa nhận điều khiển xe khách đâm vào xe cứu thương do ông Biềng điều khiển. Tuy nhiên, bị cáo kêu oan và cho rằng, trước khi xe khách mình lái đâm vào đuôi xe cứu thương thì chiếc xe cứu thương đã đâm vào xe của VKS chạy phía trước.

Hồng khai thêm, thời điểm xảy ra tai nạn, xe di chuyển với tốc độ trên 60km/h và chiếc xe cứu thương đã đánh lái vượt qua xe mình.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Biềng khẳng định, khi chiếc xe của VKS dừng lại đột ngột ông đã đạp phanh cho xe đứng lại. Ngay sau đó, xe khách do Hồng điều khiển đâm từ phía sau khiến xe của ông Biềng lao về phía trước đâm vào xe của VKS.

Ông Biềng còn khẳng định, trước thời điểm xảy ra tai nạn, xe cứu thương di chuyển với tốc độ khoảng 35-40km/h và luôn đi sau xe của VKS. Ông cũng không vượt xe khách trong khi di chuyển lên cầu Phú Lương.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Bình – ngồi ở buồng sau chở bệnh nhân của xe cứu thương cho biết, trước thời điểm xảy ra tai nạn, ông nhìn qua cửa kính xe cứu thương thì thấy xe vượt qua xe khách ở đoạn đường gom dẫn lên cầu Phú Lương. Tuy nhiên, ông Bình không biết xe cứu thương vượt xe khách nào.

Thời điểm xảy ra tai nạn, ông nghe thấy hai tiếng động “cục, cục”. Tiếng động “cục” đầu tiên, ông nghe tiếng ông Biềng (ngồi buồng lái phía trước) hô to: “Đi đứng thế à”. Liền sau đó là tiếng “cục” thứ 2 và chiếc xe cứu thương bị lật nghiêng khiến ông bị thương bất tỉnh.

“Hai tiếng “cục, cục” chỉ xảy ra trong tích tắc, tính bằng phần trăm giây. Sau đó, xe bị nghiêng khiến tôi bị thương bất tỉnh… Tôi thề những lời tôi nói tại tòa là sự thật”, ông Bình nói tại tòa.

Khi được hỏi về tốc độ xe cứu thương khi di chuyển lên cầu Phú Lương, ông Bình cho rằng, mình cảm nhận xe cứu thương di chuyển với tốc độ khá nhanh, trên 40km/h.

Là người cùng ngồi trên xe cứu thương với ông Bình, anh Trương Gia Công Vũ Phong (y tá theo dõi sức khỏe cho bà Hoa - mẹ ông Bình) cho biết, không nghe thấy tiếng va chạm trước khi bị xe khách đâm từ phía sau. Tốc độ xe cứu thương trước khi xảy ra tai nạn khoảng 35-40km.

HĐXX công bố lời khai của ông Phạm Quang Hữu (người nhà ông Bình) - người ngồi ở khoang lái xe cứu thương. Theo đó, sau khi chiếc xe VKS dừng lại thì xe cứu thương cũng dừng lại. Sau đó chiếc xe lao về phía trước đâm vào đuôi xe của VKS.

Về phần mình, ông Vũ Văn Bạt, lái xe của VKS cho biết, khi đang lưu thông lên cầu Phú Lương ông phát hiện xe phía trước dừng lại thì ông nhấn phanh. Sau đó, xe cứu thương chạy phía sau đâm vào đuôi khiến chiếc chồm lên va vào đuôi xe đỗ phía trước.

Sau phần xét hỏi, đại diện VKSND TP.Hải Dương công bố bản luận tội với bị cáo. Theo đó, đại VKSND TP.Hải Dương cho rằng, căn cứ hồ sơ vụ án và lời khai của các nhân chứng tại tòa, cáo trạng truy tố đúng người đúng tội nên đề nghị HĐXX xử lý bị cáo Hồng về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và buộc bị cáo này bồi thường thiệt hại cho các phương bị hư hỏng trong vụ tai nạn.

Cuối giờ chiều, HĐXX Tòa án Nhân dân TP.Hải Dương quyết định dừng phiên tòa, ngày mai (13.5) sẽ tiếp tục xét xử.