Mặc bikini phục vụ có phải quảng cáo?
Liên quan việc cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt chủ nhà hàng có "chân dài" mặc bikini bưng phục vụ khách trên đường Trần Thái Tông, Hà Nội 40 triệu đồng, quyết định xử phạt số 599/QĐ-XPVPHC của Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) TP. Hà Nội, đã nêu: Ông Phùng Văn Quang chủ nhà hàng trên đường Trần Thái Tông để nhân viên mặc bikini tiếp thị và phục vụ bia trong nhà hàng là vi phạm hành vi hành chính, quảng cáo có nội dung trái với truyền thống lịch sử văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam theo quy định tại điểm d, khoản 4 Điều 51, Nghị định 158/2013 của Chính phủ. Theo quy định mức tiền phạt ở điều khoản này là từ 30 - 40 triệu đồng.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, LS Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: "Về nội dung quyết định xử phạt số 599/QĐ-XPVPHC, khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan ban hành cần đưa ra căn cứ chứng minh việc nhà hàng để một số nhân viên nữ mặc bikini phục vụ bia là hoạt động quảng cáo. Bởi lẽ, không loại trừ khả năng, chủ nhà hàng không coi đây là hoạt động quảng cáo, mà chỉ coi đây là một cách thức kinh doanh của nhà hàng".
Quán bia có "chân dài" mặc bikini phục vụ khách bị Sở VH -TT Hà Nội phạt 40 triệu đồng. (Ảnh: I.T)
Nhìn nhận về hành vi để "chân dài" mặc bikini bưng bia trong nhà hàng, LS Trương Thanh Đức - Đoàn luật sư TP. Hà Nội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng đó không phải là hoạt động quảng cáo. Theo LS Đức, nếu những người từ đâu đến ăn mặc hở hang, cầm theo sản để giới thiệu hoặc thể hiện sản phẩm trên người thông qua hình thức treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự thì mới là quảng cáo.
"Trường hợp nhân viên của nhà hàng mặc bikini để phục vụ khách thì không phải là hoạt động quảng cáo. Nếu cho rằng hành vi này vi phạm thì quy vào lỗi nào khác chứ không phải là lỗi trong Luật quảng cáo" - LS Đức bày tỏ.
Đề nghị rút giấy phép kinh doanh là không đúng
Trước đó trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong - Chánh Thanh tra Sở VHTT Hà Nội cho biết, với thái độ cố tình chống đối, không ký vào biên bản làm việc và không chấp hành nộp phạt theo quyết định xử phạt của chủ nhà hàng, Thanh tra Sở sẽ đề nghị UBND quận Cầu Giấy thu hồi giấy phép kinh doanh của nhà hàng, hoặc không cấp phép nếu chưa cấp phép.
Về vấn đề này, nhiều LS cho rằng ông Chánh thanh tra nói vậy không đúng với tinh thần của pháp luật hiện hành. LS Trịnh Anh Dũng phân tích: Theo quy định của pháp luật, cá nhân, tổ chức Việt Nam, cá nhân, tổ chức nước ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính đã quá thời hạn chấp hành hoặc quá thời hạn hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hoặc đã quá thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra mà không tự nguyện chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định.
Theo Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ, các biện pháp cưỡng chế có thể được áp dụng gồm: cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản là tổ chức, cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân, cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá...
Trường hợp chủ quán bia ở Trần Thái Tông không nộp phạt mà bị Thanh tra Sở VHTT Hà Nội đề nghị rút giấy phép kinh doanh hoặc không cấp phép (trường hợp chưa có phép) là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo LS Dũng, Điều 211 Luật doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp chỉ bị xem xét thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong một số trường hợp như: Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo; Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 18 của Luật này thành lập; Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế; Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án...