Cá sủ vàng là một trong những “lộc trời” mà không phải ngư dân nào cũng được chạm tay vào một lần trong đời. Theo các thương lái và y học Trung Quốc, cá sủ vàng có giá trị rất cao bởi bong bóng cá được dùng để làm chỉ tự hủy trong vi phẫu.
Một trong những con cá sủ vàng bán được giá nhất có thể kể đến là con cá nặng 80kg do một ngư dân Trung Quốc đánh bắt vào năm 2012, sau đó bán cho thương lái với giá khoảng 10 tỉ đồng.
Riêng tại Việt Nam, ngư dân ở các tỉnh ven biển như Thái Bình, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu,... cũng đã may mắn nhận được “lộc trời” này. Có trường hợp ngư dân bán cá với tiền tỉ, nhưng cũng có trường hợp ngư dân hy vọng rồi lại thất vọng bởi không bán được cá vì nhiều lý do.
Ngư dân Bùi Văn Thắng (khu Tân Sơn, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) là một trong những người may mắn đó. Theo đó, vào năm 2010, trong khi đang đánh bắt xa bờ, ông và các thuyền viên đã nhận được “lộc trời” là một con cá sủ vàng nặng 69kg. Khi vừa cập bến, thương lái đã chờ sẵn để mua ngay với giá 1,5 tỉ đồng.
Vào ngày 28.10.2015, ông Lữ Thế Vinh (43 tuổi, trú phường Cam Phú, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) cũng bắt được cá sủ vàng trên vịnh Cam Ranh. Cá có vảy vàng, miệng hồng đỏ, đuôi màu vàng, nặng 5,7kg, dài 80cm. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Cam Phú, lúc đầu ông Vinh đã từ chối nhiều lời chào mua với giá hàng trăm triệu. Về sau, cá không bán được nữa do đã ướp lâu ngày.
Cá sủ vàng nặng 5,7kg do ngư dân Lữ Thế Vinh đánh bắt được. (Ảnh: Người lao động)
Ngư dân Trịnh Văn Cương (40 tuổi, ngụ xã Tân Phước, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thì may mắn hơn. Vào khoảng 23h đêm 14.3.2016, ông Cương đã đánh bắt được một con cá sủ vàng nặng 9kg trên sông Thị Vải, đoạn cửa biển Cái Mép, sau đó bán cho thương lái với giá gần 1 tỉ đồng.
Vụ việc ngư dân Nguyễn Văn Đông (ngụ Khu vực 1, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đánh bắt được con cá sủ vàng nặng 7kg, dài 85cm vào đầu năm nay cũng được nhiều người biết đến. Ông Đông cho biết, ông đã bán con cá này cho một thương lái và thương lái tiếp tục bán cho một người ở TP.HCM với giá không được tiết lộ.
Cá sủ vàng “đi lạc” vào lưới của ngư dân Nguyễn Văn Đông (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). (Ảnh: Người lao động)
Đáng tiếc nhất là trường hợp của ngư dân Nguyễn Văn Phụng (35 tuổi, ngụ ấp Lăng, xã cù lao Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) và Nguyễn Minh Nhật (thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ông Phụng và ông Nhật đã may mắn đánh bắt được cá sủ vàng nặng trên dưới 3kg vào cuối năm 2015, nhưng sau đó cả hai đều phải chiên cá ăn. Lý do là cá của ông Nhật bị thương lái chê nhỏ, còn cá của ông Phụng bị chê ướp quá lâu.
Trao đổi với PV, ngư dân Nguyễn Văn Phụng buồn bã kể: “Khi các thương lái ở TP.HCM, Cà Mau, Vĩnh Long, thậm chí cả thương lái ở Hà Nội gọi hỏi, bảo giữ cá để tới xem thì tôi vui lắm, cứ hi vọng bán được cá với giá cao để chữa bệnh tim bẩm sinh cho con gái. Nhưng sau đó họ chê cá ướp lâu quá và không mua”.
Được biết, ông Phụng là một ngư dân nghèo tại địa phương. Nhờ một chương trình hỗ trợ nhân đạo, con gái của ông Phụng là bé Mỹ Xuyên đã trải qua một cuộc mổ tim. Thời gian sắp tới, bé Mỹ Xuyên cần phải thực hiện thêm 2 cuộc phẫu thuật nữa.
Trước đó, vào tháng 9.2015, cũng là một ngư dân của phường Hải Cảng nhưng ngụ ở Khu vực 9, ngư dân Ngô Văn Đấu đã đánh bắt được một con cá nghi sủ vàng trên vùng biển Phú Yên. Sau khi kiểm tra kỹ thì đây là cá sủ hồng nên ông Đấu bán cho một nhà hàng tại địa phương chế biến món ăn với giá gần 10 triệu đồng.
Nhiều năm qua, cá sủ vàng vẫn là mơ ước của nhiều ngư dân, có ngư dân còn sắm sửa cả ngư cụ hiện đại để đánh bắt. Theo các ngư dân, chỉ cần một lần trong đời may mắn bắt được cá sủ vàng là đã có thể đổi đời, nhưng hiếm ai nhận được “lộc trời” này.
Cá sủ vàng có tên khoa học là Otolithoides Biauritus, rất quý hiếm, đặc biệt có giá trị lớn trong lĩnh vực y học. Bong bóng cá được sử dụng làm nguyên liệu hữu cơ sản xuất chỉ tự tiêu, có khả năng tự hủy sau khi phẫu thuật, không gây tổn thương đối với mô, giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm nên giá cao. Loài này sinh sống ở biển, đến mùa đẻ (tháng 1 - 4 và tháng 9 - 10 âm lịch hàng năm) sẽ vào các vùng cửa sông nước lợ cặp đôi và đẻ. Cá con ngược lên vùng nước ngọt sâu trong đất liền để sống. Sau 1 - 2 năm, cá đạt trọng lượng trên 10kg sẽ bắt đầu tìm ra biển lớn. |