Dân Việt

Dân ốm yếu bên "dòng kênh chết" ở TP. HCM

Quang Minh 17/05/2016 06:00 GMT+7
Những dòng nước đỏ lòm bốc hơi nghi ngút đang từng ngày, từng giờ đổ ra từ các nhà máy dệt nhuộm, hóa chất, xi mạ... tại Khu tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và Khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đổ ra dòng kênh, khiến người dân rất bức xúc.

Vùng đất “chết”

KCN Lê Minh Xuân không xa lạ với dân TP.HCM sống xung quanh khu vực, họ đặt tên nơi này là “vùng đất chết” bởi trên dòng kênh, không có loài cá, tôm nào sống nổi mà chỉ có lục bình (bèo tây) và cỏ dại. Theo phản ánh của bà con, đa số trẻ con thường bị bệnh viêm mũi, viêm họng, ghẻ ngứa vì hàng ngày hít phải khí độc từ Khu TTCN Lê Minh Xuân.

img

Hầu hết các kênh rạch xung quanh KCN Lê Minh Xuân đều ô nhiễm nặng. Ảnh: Q.M

Thời gian qua xã đã phối hợp kiểm tra thường xuyên tại các cơ sở gây ô nhiễm, nhưng vì lực lượng quá mỏng lại chỉ làm giờ hành chính nên rất khó phát hiện các cơ sở xả thải ra môi trường vào ban đêm. Hơn nữa, khi phát hiện sự việc xã cũng chỉ biết báo cáo và kiến nghị lên cấp trên vì không thuộc thẩm quyền của xã”.

Ông Phạm Văn Lũy -
Bí thư Đảng ủy kiêm
Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt

Đi dọc các tuyến kênh bao quanh KCN Lê Minh Xuân (thuộc xã Tân Nhựt và Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), phóng viên nhận thấy nước trên những dòng kênh có màu đen kịt, có nơi màu nâu đỏ. Tại kênh số 9 (ấp 1, xã Tân Nhựt, giáp ranh KCN Lê Minh Xuân), ban ngày chỉ thấy nước màu đen, các cống đều không có nước chảy.

Chỉ xuống dòng kênh C đen kịt, ông Nguyễn Minh Phương- một người dân sống từ trước năm 1975 đến nay tại ấp 7, xã Lê Minh Xuân nói: “Hồi xưa ở đây cá ăn không hết, chỉ cần thả tấm lưới xuống kênh là có cá rồi, nhưng bây giờ không con gì sống nổi vì nước bị ô nhiễm nặng”. Ông Nguyễn Văn Ngọ, ngụ cùng ấp với ông Phương cho biết thêm, một số hộ dân khoan giếng sâu hơn 200m nhưng nước cũng chỉ dám dùng để tắm rửa, giặt giũ, còn nước để ăn, uống phải mua nước lọc đóng bình vì ở đây chưa có nước máy.

Hộ bà Ngô Thị Hà ở tổ 4, ấp 1, xã Tân Nhựt có 1,4ha đất trồng lúa ngay sát kênh 9. Tuy nhiên từ khi KCN và TTCN Lê Minh Xuân hoạt động đến nay, ruộng lúa của gia đình bà trở thành ruộng “chết” bởi nguồn nước ở đây đã bị ô nhiễm nặng, không thể trồng được cây gì. “Sau khi gia đình làm đơn khiếu nại thì cơ quan chức năng xuống xử phạt doanh nghiệp và bồi thường cho gia đình tôi được 2 lần, một lần 1 triệu đồng vào năm 2010 và gần đây là 3 triệu đồng” - bà Hà cho biết.

Cơ quan chức năng nói gì?

Làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Bình Chánh, chúng tôi được ông Ngô Nguyên Hồng- cán bộ phụ trách địa bàn 2 xã Tân Nhựt và Lê Minh Xuân cho biết, từ năm 2013 đến nay, Phòng TNMT huyện Bình Chánh đã kiểm tra và tham mưu cho UBND huyện ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 đơn vị vi phạm về ô nhiễm không khí, khói bụi tại KCN Lê Minh Xuân với tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng. “Hiện nay, công suất tối đa của nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Lê Minh Xuân là 6.000m3/ngày, trong khi lượng nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp thải ra cũng tương đương 6.000m3” - ông Hồng cho biết.

Theo quy định tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP   của Chính phủ thì Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ được ra quyết định xử phạt với mức tối đa 50.000.000 đồng về các hành vi vi phạm về môi trường. Còn việc xả thải ra môi trường thì Phòng TNMT không có thẩm quyền xử lý mà phải từ cấp Sở hoặc Cục Cảnh sát Môi trường. Chính vì vậy mà Phòng TNMT đã có kiến nghị lên Sở TNMT và các cơ quan khác tìm cách khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp.

Trong khi đó, đại diện Ban quản lý KCN Lê Minh Xuân thừa nhận có tình trạng một số doanh nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường, một phần do công nghệ lạc hậu, một phần do ý thức kém. Để hạn chế tình trạng này, KCN Lê Minh Xuân đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nhằm kiểm soát chất lượng nước thải sau xử lý. Bên cạnh đó, Sở TNMT TP.HCM cũng đã lắp đặt trạm quan trắc tự động 24/24 giờ để kiểm soát chất lượng nước thải sau xử lý.