Ngày 17.5, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) đã tổ chức cuộc họp với các Sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Trung tâm xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư của 20 tỉnh, thành phố phía Nam để trao đổi chương trình kết nối cung, cầu nông sản, thực phẩm an toàn và xây dựng dữ liệu vùng về đầu tư, thương mại.
Kết nối cung, cầu thực phẩm an toàn
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành cùng nhận định, thời gian gần đây có rất nhiều vụ việc liên quan thực phẩm không an toàn vệ sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng. Người tiêu dùng ngày càng lo lắng và mong muốn tìm được nhiều nguồn hàng an toàn, chất lượng. Các cơ quan chức năng liên quan trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cùng thống nhất rằng, cần đưa “kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn” vào chương trình hành động trong năm 2016.
Chỉ khi có kết nối cung cầu thì nguồn rau củ quả, trái cây, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến… mới có “đất dụng võ”.
Trái cây sạch cần có "đất dụng võ"
Theo các chuyên gia, nông dân hiện nay tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp rất tốt và rất nhiều hộ. Cơ sở sản xuất đã thực hiện các qui trình sản xuất an toàn không chỉ theo tiêu chuẩn Việt Nam mà còn theo tiêu chuẩn quốc tế. Các đơn vị có nhu cầu kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn nếu sẵn sàng kết nối lâu dài với nhà sản xuất thì có thể đặt yêu cầu về chất lượng để được đáp ứng bền vững.
Đại diện các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm xúc tiến thương mại của 20 tỉnh, thành phố thể hiện sự nhất trí cùng nhau liên kết hành động vì nền nông nghiệp – sản xuất thực phẩm an toàn, tạo cầu nối cho các nhà cung ứng và nhà phân phối hình thành chuỗi thực phẩm an toàn. Dự kiến, tháng 7.2016 tại TPHCM sẽ diễn ra chương trình kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn này.
Để chuẩn bị tốt cho các nhà sản xuất rau củ quả, trái cây, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến… an toàn đạt được hiệu quả giao thương cao nhất, ITPC sẽ mời nhiều nhóm đối tượng tiêu thụ, bao gồm: các hệ thống siêu thị; nhà hàng; khách sạn; các nhà cung cấp suất ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể; tiểu thương các chợ đầu mối, tiểu thương các chợ bán lẻ; các cửa hàng tiện lợi; các cửa hàng chuyên doanh trái cây, rau củ quả; các doanh nghiệp chế biến thực phẩm…
Trong năm nay, bộ tiêu chí dữ liệu vùng về đầu tư – thương mại cũng sẽ được hoàn thành
“Mô hình 1 + 20”
Việc xây dựng dữ liệu vùng về đầu tư – thương mại có ý nghĩa là nhằm hình thành cơ sở dữ liệu chung về các vấn đề đầu tư, thương mại của 21 tỉnh thành, tạm gọi là “mô hình 1 + 20”.
Dữ liệu dùng chung và được cập nhật giúp các đoàn khách trong nước và quốc tế đến TPHCM hay bất kỳ địa phương nào trong 21 tỉnh, thành phố để tìm hiểu đầu tư thì đều được giới thiệu tiềm năng các tỉnh, thành phố khác.
Mỗi địa phương khi đi xúc tiến đầu tư, thương mại ở nước ngoài đều có thể dùng những thông tin này giới thiệu cho nhau, có lợi cho việc thu hút nhà đầu tư vào tìm hiểu đầu tư trên diện rộng nếu như một địa phương không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Điều này vừa làm đa dạng, phong phú các sản phẩm tiếp thị, vừa tiết kiệm chi phí khi liên kết đi xúc tiến thương mại – đầu tư ở nước ngoài.
Dự tính, trong năm nay, bộ tiêu chí dữ liệu vùng về đầu tư – thương mại cũng sẽ được hoàn thành.