Câu chuyện người phụ nữ có vẻ ngoài sang trọng, đi xế hộp, kiếm hàng trăm triệu/tháng nhưng lại hết lần này đến lần khác bị bắt gặp trộm cắp vặt khiến nhiều người bất ngờ. Bởi xưa nay, người ta vốn chỉ nghe đến chuyện “túng thiếu làm càn” chứ ít thấy cảnh “nhà giàu đi ăn cắp”.
Camera ghi lại cảnh người phụ nữ ăn vận sang trọng lấy cắp đồ ở chợ Ninh Hiệp
Thế nhưng, đây lại là chuyện hoàn toàn có thật. Thời điểm cuối tháng 3/2016, người phụ nữ này đã bị bắt quả tang khi có ý định lấy trộm tiền tại một cửa hàng quần áo trên đường Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội). Cách đây vài ngày, cô lại tiếp tục tìm đến một cửa hàng may đo trên phố Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội), thò tay vào túi xách của khách để lấy tài sản.
Cả hai lần ăn cắp, người phụ nữ này đều bị phát hiện và camera ghi lại cảnh đó bị phát tán rộng rãi trên mạng xã hội. Sau khi biết gia cảnh của người phụ nữ sinh năm 1984, trú tại quận Long Biên rất đầy đủ, thậm chí còn dư thừa với công việc kinh doanh cho doanh thu hàng trăm triệu/tháng, nhiều người tỏ ra hết sức bất ngờ. Một căn bệnh “lạ” đã được liên tưởng đến để lý giải cho trường hợp “người giàu đi ăn cắp vặt” này: Bệnh “cuồng ăn cắp”.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Thành Nam (giảng viên Tâm lý, trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội) để hiểu sâu hơn về căn bệnh “khó tưởng” này:
Liệu có căn bệnh mang tên là “cuồng ăn cắp”, “nghiện lấy cắp”, thưa anh?
Có. Căn bệnh này tồn tại dưới tên Kleptomania, nghĩa là “cuồng ăn cắp” hay “nghiện” lấy cắp vặt. Người mắc căn bệnh này khi đứng trước đồ vật (dù không mấy giá trị) để ở nơi sơ hở thường có “rung động” và cảm thấy căng thẳng, buộc phải thực hiện bằng được hành vi ăn cắp thì mới cảm thấy thoải mái.
Đây là một dạng bệnh tâm thần, đã có tên trong các danh mục chẩn đoán bệnh tâm thần trên thế giới.
Có sự khác biệt nào giữa người mắc bệnh căn bệnh “khó tưởng” này và người thực sự có kế hoạch ăn cắp?
Câu hỏi của bạn cũng có luôn câu trả lời rồi. Có một vài đặc điểm phân biệt giữa hai kiểu người trộm cắp thế như thế này: thứ nhất, người mắc bệnh “nghiện” ăn cắp không bao giờ có đồng bọn hay kế hoạch cụ thể. Thứ hai, những đồ vật lấy cắp rất nhỏ nhặt, họ không lấy để đáp ứng nhu cầu cá nhân mà chỉ vì không thể kiềm chế nổi trước những đồ vật đó nên mới lấy.
Thứ 3 là cách xử lý “chiến lợi phẩm”. Vì người mắc bệnh này không lấy trộm đồ để đáp ứng nhu cầu cá nhân nên sau khi lấy xong họ thường đem vứt, bí mật đem trả lại hoặc đem đi quyên góp để thoát khỏi cảm giác tội lỗi.
Phải nói thêm là hành vi lấy cắp này không phải là hệ quả của một chứng bệnh đi kèm nào khác như: hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi nhân cách chống đối xã hội, tâm thần phân liệt… thì mới được xếp vào chứng bệnh này.
TS. tâm lý Trần Thành Nam chia sẻ về căn bệnh "cuồng" trộm cắp
Triệu chứng của căn bệnh “nghiện” ăn cắp này là gì, thưa anh?
Những người mắc bệnh này thường có một vài biểu hiện lạ như: luôn căng thẳng khi đứng trước các đồ vật được để sơ hở; Cảm thấy có một thế lực nào đó thúc giục mình phải lấy cắp dù đó là thứ không cần thiết; Thấy thư giãn ngắn ngay sau khi trộm được đồ rồi sau đó có cảm giác ngượng ngùng, tội lỗi.
Đã có nghiên cứu cụ thể nào đưa ra nguyên nhân của chứng bệnh “lạ” này?
Chưa có một kết luận cuối cùng nào về nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này. Người ta chỉ đưa ra một số giả thuyết như:
Tỷ lệ người mắc bệnh này ở nữ nhiều hơn nam, nên nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này có thể liên quan đến vấn đề nhiễm sắc thể, mã gen của hai giới khác nhau, từ đó có sự ảnh hưởng khác nhau.
Thứ hai là về độ tuổi, tỷ lệ bắt đầu xuất hiện bệnh ở tuổi dậy thì thường cao hơn ở độ tuổi trung niên trở lên. Vì thế, có người đưa ra giả thuyết là, liệu rằng những bất ổn về mặt tâm lý của tuổi vị thành niên nó liên quan đến việc mắc chứng bệnh này?
Thứ ba, người ta thấy rằng những người mắc chứng “cuồng” ăn cắp thường có đời sống tinh thần bất ổn, mức độ căng thẳng, lo âu, trầm cảm cao hơn so với người bình thường. Vì vậy cũng có giả thuyết là những lo lắng, căng thẳng góp phần thúc đẩy hành vi này
Còn một quan điểm nữa quan niệm chứng bệnh cuồng ăn cắp này là một dạng rối loạn hành vi ám ảnh cưỡng bức. Ví dụ như, có những người luôn cảm thấy tay mình bẩn, cần đi rửa tay thì ở đây cũng vậy, việc ăn cắp chỉ giống như một hành động nghi thức để chống lại cảm giác lo lắng, sợ hãi bên trong.
"Nghiện" ăn cắp vặt là một dạng bệnh lý (ảnh minh họa)
Có những cách tiếp cận chữa trị nào với căn bệnh này thưa anh?
Hiện giờ, có hai cách tiếp cận chữa trị. Một là tiếp cận chữa trị bằng tâm lý, hai là tiếp cận chữa trị bằng y học.
Tuy nhiên, vì khó xác định được nguyên nhân gốc hoặc nguyên nhân bản chất dẫn đến căn bệnh nên người ta thường tập trung vào “chữa” những yếu tố ảnh hưởng xung quanh. Ví dụ như, người có hành vi này thường bị cho là thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc, thế nên họ tập trung vào chữa những yếu tố gây ra điều đó như lo âu, trầm cảm, stress trong cuộc sống…
Có nhiều hình thức chữa trị tâm lý như: chữa theo nhóm, tư vấn trị liệu cá nhân: chữa theo nhóm, tư vấn trị liệu cá nhân (lên kế hoạch hành vi cho cá nhân này, xác định tình huống khiến họ rung động, muốn ăn cắp và tránh đi), dùng áp lực gia đình.
Một phương pháp hay sử dụng nữa là “liệu pháp ghét sợ”. Người ta quan sát người bệnh trong những tình huống đi siêu thị hoặc vào các cửa hàng qua camera và tạo ra những kích thích gây khó chịu hoặc đau như điện giật mỗi khi người đó giấu một món đồ nào đó đi. Như vậy, hành vi lấy đồ sẽ bị ghép cặp với cảm giác đau, khó chịu khiến họ dần dần thấy ghét, sợ những hành vi lấy trộm đồ.
Cách tiếp cận thứ hai là điều trị bằng thuốc. Hiện giờ, người ta vẫn hay dùng loại thuốc chống tái hấp thu chất Serotonin. Cách điều trị này có liên quan đến giả thuyết cho rằng nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này là do sự rối loạn việc tiết ra chất dẫn truyền thần kinh Seretonin trong não
Người mắc bệnh này không thể kiềm chế trước những đồ vật để sơ hở, buộc phải lấy cắp mới thỏa mãn (ảnh minh họa)
Theo anh, nếu không được điều trị kịp thời, căn bệnh này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng thế nào cho người bệnh ngoài việc vi phạm pháp lý và bị xa lánh?
Về mặt pháp lý thì rõ rồi, bị ghét bỏ hay xa lánh cũng rất rõ. Ngoài ra, nếu không được chữa trị kịp thời thì người mắc bệnh này sẽ gặp nhiều khó khăn trong đời sống tinh thần. Ví dụ như, cảm giác tội lỗi xâm chiếm sau khi thực hiện hành vi ăn cắp, sự căng thẳng, lo âu, mệt mỏi tăng lên…
Trong công việc tư vấn tâm lý, anh đã bao giờ tiếp xúc với người mắc bệnh này chưa?
Tiếp cận trực tiếp dưới dạng ca thân chủ (trực tiếp tư vấn tâm lý cho thân chủ) thì tôi chưa từng vì ở Việt Nam, do nhận thức về bệnh chưa rõ cùng với thành kiến về việc trộm cắp nên người bệnh thường giấu.
Còn trong thời gian nghiên cứu ở nước ngoài, tôi từng được nghe một số chuyên gia tâm lý báo cáo về việc chữa trị cho các bệnh nhân mắc chứng bệnh này.
Tôi cũng đã từng biết những trường hợp ở nước ngoài xử lý về tình huống này. Trong trường hợp hành vi ăn cắp bị phát hiện, người ăn cắp có hai cách thức trình báo để luật sư biện hộ cho mình. Họ có thể thừa nhận mình ăn cắp và nhận hình phạt hành chính.
Bên cạnh đó, họ cũng có thể chứng minh rằng mình mắc chứng “nghiện” ăn cắp. Khi đó, quan tòa sẽ không đưa ra hình phạt hành chính nhưng sẽ yêu cầu họ phải trải qua một liệu trình điều trị bắt buộc rất phức tạp. Tôi biết có những trường hợp bị chứng cuồng ăn cắp thật nhưng vì quá sợ hãi việc điều trị nên nhận luôn mình là một tên ăn cắp để nộp phạt.
Vì thế, đôi khi vì quá sợ bị điều trị nên họ thường nhận luôn mình là một tên ăn cắp rồi nộp phạt.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!