Dân Việt

Mẹ đày con ra sa mạc để giúp con cai nghiện

Anh Tú (Dòng Đời) 11/01/2014 08:07 GMT+7
Những ngày đầu, Antonia quậy phá nhưng không ai thèm đếm xỉa. Họ chỉ cho Antonia một khẩu phần ăn như dành cho loài mèo và dặn dò: “muốn ăn nhiều hơn thì phải lao động”.
Niềm vui của một người phụ nữ là những đứa con. Tuy nhiên, những đứa con cũng có thể mang cho người mẹ những nỗi phiền muộn vô bờ bến một khi chúng không khỏe mạnh hay ngoan ngoãn. Bà Nicola Horlick thấm thía điều này hơn ai hết vì bà có một bầy con nhưng không phải tất cả đều khỏe mạnh.

Tại London, bà Nicola nổi tiếng là một thương nhân giỏi. Bà mua may bán đắt nên một mình thu vén cho gia đình được sung sướng giàu sang. Ông chồng Tim cũng là một người giỏi giang nên gia đình được coi là niềm mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, tài sản mà bà Nicola quý nhất chính là bầy con. Người phụ nữ này đã sinh một lèo 6 đứa con từ năm 1986 đến 1996. Vừa sinh con, vừa chăm sóc chúng lại vừa kinh doanh giỏi thì quả là không mấy phụ nữ sánh kịp bà Nicola. Đáng ra bà Nicola còn sinh thêm con tiếp nếu như không xảy ra một chuyện đáng buồn vào năm 1997.
Mẹ con hội ngộ
Mẹ con hội ngộ

Bi kịch nối tiếp bi kịch

Sau khi sinh xong bé Antonia thì gia đình phát hiện ra cô con gái cả Georgia mắc bệnh hiểm nghèo. Các bác sĩ phát hiện ra Georgia bị bệnh bạch cầu và nhìn cô con gái đang vui tươi tiều tụy thì bà Nicola như đứt từng khúc ruột. Bao nhiêu tiền bạc làm ra bà cũng không tiếc, chỗ nào có bác sĩ giỏi về huyết học thì bà đều đưa con đến khám chữa. Tuy nhiên, căn bệnh quái ác này lại không thể chữa trị được. Georgia như bông hoa bị cắt khỏi đất mẹ nên ngày càng xanh xao ốm yếu. Cuối cùng vào năm 1998, Georgia qua đời khi mới 12 tuổi trong sự bất lực đến nghẹn ngào của bà Nicola.

Sau cái chết đáng thương của con gái, bà Nicola sống trong trầm cảm nặng nề. Bà luôn cho rằng mình là người có lỗi khi không chăm sóc đủ với cô bé gái Georgia xấu số. Do tâm lý bất ổn, bà quy trách nhiệm rằng chính cô con gái út Antonia ra đời không đúng lúc khiến bà không phát hiện ra bệnh sớm của Georgia. Từ đó, bà xa lánh Antonia vô cớ.

Thật ra, cô bé Antonia làm gì có tội vì bé đâu tự chọn được ngày nào nên ra đời. Ngay khi mới chào đời, bé Antonia đã không được mẹ chăm sóc thường xuyên như các chị vì khoảng thời gian đó, bà Nicola bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ cả cho con gái mới sinh bú sữa để bên giường bệnh cô con gái đầu lòng. Sau khi người chị Georgia qua đời thì Antonia lại chịu sự ghẻ lạnh của chính người mẹ ruột của mình. Trong khoảng thời gian đó, ông Tim là người chăm sóc chính bé Antonia. Nhưng khi bé Antonia 6 tuổi thì ông Tim cũng bỏ nhà đi vì không chịu nổi người vợ quá quắt. Bà Nicola cũng quy kết ông là người đàn ông bất lực vì không bảo vệ được con gái khỏi bệnh bạch cầu.
Antonia
Antonia

Thế là lên 6 tuổi, bé Antonia bơ vơ giữa gia đình, cũng may là các chị hai và chị ba chăm sóc nên không đến nỗi khổ lắm. Tuy nhiên, các chị thì không thể bằng mẹ được thành ra Antonia thiếu giáo dục. Năm 10 tuổi, Antonia bắt đầu trở nên khó bảo khi nó cho rằng tất cả mọi người đều căm ghét nó. Antonia tham gia đàn đúm với lũ bạn xấu trong khu phố và tập tành hút thuốc lá phì phèo. Sau đó, chúng thường xuyên phá phách trộm cắp của hàng xóm. Những lời này đến tai bà Nicola và mỗi lần như thế là đòn roi trút xuống cô bé 10 tuổi với những lời ác nghiệt như: “Mày nên chết đi để chị mày được sống. Chị mày khi 10 tuổi là một cô bé dễ thương được mọi người yêu quý còn mày là giống quỷ cái”.

Những lời khó nghe như vậy trút lên tâm hồn thơ ngây của Antonia cộng với đòn roi càng làm cô bé lỳ lợm và thù ghét cuộc đời. Mới hơn 10 tuổi đầu một chút, Antonia đã dám ngủ hoang không thèm báo cáo gia đình và bà Nicola lại coi đứa con út như kẻ đã chết rồi. Năm 14 tuổi, Antonia bắt đầu chơi ma túy và bỏ nhà đi gần một tuần. Nhà trường đã phải gọi các chị của Antonia đến nói về mức độ nguy hiểm đáng báo động mà cô bé phải đối mặt. Họ cho biết thứ mà Antonia sử dụng là loại ma túy rẻ tiền và có thể khiến cô bé chết bất kỳ lúc nào vì sốc thuốc.

Các chị của Antonia đã về kể cho bà Nicola về chuyện này. Họ kết luận rằng chính bà Nicola đã đẩy cô con gái út vào con đường nguy hiểm như vậy. Lúc này trước những đứa con, bà Nicola chợt nhận ra rằng bà là một người mẹ tồi tệ và đối xử bất công với đứa con gái út trong suốt mười mấy năm qua. Bà cùng các cô con gái khác đi khắp nơi tìm Antonia nhưng không thấy. Cuối cùng, cảnh sát thông báo họ tìm thấy Antonia ở ga tàu điện ngầm trong trạng thái vã thuốc, quần áo rách rưới. Khi được hỏi thì Antonia nói “cha tôi bỏ đi đâu không biết, còn mẹ tôi qua đời lúc tôi lọt lòng”. Sau khi bàn giao Antonia cho gia đình, cảnh sát nhấn mạnh: “Nếu tình trạng này tái diễn thì họ sẽ tước quyền làm mẹ của bà Nicola”.

Tống con ra sa mạc

Mấy tuần liền, Antonia bị nhốt trong nhà luôn miệng la hét chửi rủa phá phách. Nhưng một tháng sau, láng giềng thấy ngôi nhà yên tĩnh lạ lùng. Sau một tháng nhốt con, bà Nicola đã rủ Antonia sang Mỹ chơi cho khuây khỏa. Được thoát khỏi ngôi nhà tù túng, Antonia đồng ý ngay. Xuống chân tới Mỹ, bà Nicola giao con cho một cặp nam nữ rồi quay về Anh luôn. Còn Antonia được hai người lạ mặt “tháp tùng” thẳng đến một trại cải tạo ở giữa sa mạc bang Neveda.
Bà Nicola và các con
Bà Nicola và các con

Trại cải tạo này là nơi giáo dục những thanh niên đầu gấu ở khắp nước Mỹ. Nghệ thuật sinh tồn ở đây là im lặng, ngoan ngoãn và lao động. Những ngày đầu, Antonia quậy phá tại đây nhưng không ai thèm đếm xỉa. Họ chỉ cho Antonia một khẩu phần ăn như dành cho loài mèo và dặn dò: “muốn ăn nhiều hơn thì phải lao động”.

Antonia nhớ lại: “Những ngày đầu ở đó giống như địa ngục với tôi. Thức ăn không nuốt nổi vì đó là những tảng bánh mì làm bằng đá chứ không mềm mại chút nào. Ba ngày đầu tôi không thèm ăn nhưng đến ngày thứ 4 thì tôi đành phải ăn ngon lành vì không có một thứ gì khác. Tôi đã nguyền rủa mẹ tôi vì đã lừa đưa tôi vào trại nô lệ. Sau một tháng được nằm không ăn bánh mỳ, tôi phải đi lao động như mọi thanh niên khác ở đây. Chúng tôi nghĩ rằng mình đang bị biến thành tù nhân khổ sai không thông qua tòa án. Chúng tôi từng có ý định bỏ trốn nhưng sau một lần thực hiện thì không ai có ý nghĩ như vậy. Lần đó chúng tôi trốn khỏi trại được nửa ngày và nhìn xung quanh chỉ thấy hoang mạc trong khi túi đồ uống vơi dần. Cuối cùng chúng tôi lại phải mò về trại và bị phạt lao động thêm 48 tiếng vì tội trốn trại”.

Nhưng sau một thời gian sống kham khổ, Antonia cũng như nhiều người ở đây đã thay đổi ý thức. Họ hiểu ra một điều chỉ có rời khởi đây khi trưởng thành và hướng thiện thực sự, họ chợt nhận ra rằng mình đã từng có thời gian sung sướng ở bên gia đình mà không biết quý trọng. Trại cũng thông báo đến năm 18 tuổi, tất cả sẽ bị “đuổi” ra khỏi đây, tự lao động mà kiếm sống chứ không còn được trại nuôi dưỡng nữa.

Antonia không cần chờ lâu đến thế. Đúng năm cô 17 tuổi, bà Nicola và 4 anh chị của cô đã bay từ Anh sang Mỹ để đón máu mủ của mình trở lại quê hương. Câu đầu tiên bà Nicola nói với Antonia là: “Mẹ xin lỗi, mẹ rất nhớ con”. Hóa ra chính bà Nicola đã sắp xếp để đưa con gái sang sa mạc để giúp con tránh xa ma túy, dẹp bỏ tính ngông. Bà Nicola tự nhận mình là người mẹ không đủ tư cách, không đủ khả năng để giáo dục con nên đành tống con ra trại ở Mỹ để nhờ xã hội giáo dục hộ. Hàng ngày, bà vẫn liên lạc với ban quản lý trại để nhận thông tin tình hình của con gái. Cho đến khi ban quản lý nói: “Hãy sang đón con bà về” thì bà Nicola vội dẫn các đứa con khác bay sang Mỹ ngay. Và câu đầu tiên mà bà nghe cô con gái út Antonia nói là: “Con xin lỗi mẹ, con rất nhớ nhà”.