Đối với nhiều công ty Mỹ, người mắc chứng tự kỷ được coi là có lợi thế và là một dạng nhân lực đắt giá (Ảnh minh họa)
Khi thế hệ cũ bắt đầu nghỉ hưu và nhiều tài năng không còn làm viêc, các công ty lớn như Microsoft, Walgreens, Capital One, AMC Theater và Procter & Gambler đã có cách khắc phục bằng việc rục rịch tuyển nhân viên có chứng tự kỷ. Nhiều công ty khác cũng bắt đầu theo áp dụng cách tuyển dụng và đào tạo tương tự.
Đối với nhiều người tự kỷ, giao tiếp mặt đối mặt là điều khó khăn. Đôi khi họ bộc phát các hành vi phản ứng bất thường. Nhưng đằng sau cái vỏ đó là nhiều tài năng ẩn giấu, ví dụ như năng lực tập trung cao hay tư duy rất tốt.
"Cứ nhìn bong bóng nhà đất và tài chính vừa qua thì rõ. Một người tự kỷ đã chỉ ra chính xác vấn đề sẽ xảy ra thế nào. Đó là điều người thường không dễ dàng làm được", Leslie Long, phó chủ tịch nhóm hộ trợ người tự kỷ Autism Speaks lấy ví dụ với trường hợp của Tiến sĩ Michael Burry, nhà vật lý và quản lý đầu tư từng có mặt trong sách The Big Short, sau đó được dựng thành phim vì những khả năng phi thường.
Tiêu biểu trong số các nơi tuyển người tự kỷ có thể kể đến trường hợp trung tâm hỗ trợ của Ngân hàng Hoa Kỳ tại Dallas. Công việc tại đây yêu cầu nhân viên xử lý núi giấy tờ khổng lồ chỉ với 75 nhân viên cho cả thành phố. Nhưng những nhân viên mắc chứng tự kỷ có khả năng tập trung siêu hạng và dễ dàng phát hiện các vấn đề.
Đối với những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày mà nhiều người đánh giá là nhàm chán thì nhiều người tự kỷ lại ưa thích và thấy dễ chịu. "Tôi có một nhân viên mà ngày nào anh ta cũng phải ngồi đúng một chiếc ghế, nếu không anh ta sẽ rất khó chịu", trưởng bộ phận Duke Robertson của ngân hàng nói trên kể.
Kết quả là hiệu năng, lợi nhuận và tinh thần tại văn phòng Robertson luôn ở mức cao lý tưởng.
Người tự kỷ có khả năng tập trung cao
Giám đốc Specialisterne USA Mark Grein, chuyên hỗ trợ người tự kỷ tìm các công việc phù hợp cho biết, sử dụng nhân viên tự kỷ không hề khó khăn, chỉ cần điều chỉnh ánh sáng hợp lý để tránh kính thích quá mức và cho phép nghỉ giải lao nhiều hơn. Ngoài ra công ty còn cung cấp dịch vụ trợ giúp cho nhà tuyển dụng. Tới giờ, Specialisterne đã đem lại việc làm cho hàng trăm người và Grein hy vọng con số này có thể lên tới 250.000.
Gerald Fraklin, 24 tuổi, phát triển website tìm việc cho người tự kỷ do Autism Speaks thành lập, đưa ra nhiều cách thức hỗ trợ và cho phép người tìm việc đăng tải video, vì đó là cách họ thể hiện bản thân một cách súc tích nhất trước các nhà tuyển dụng.
Franklin được chẩn đoán tự kỷ năm 4 tuổi và đã cố gắng hàng năm trời để có thể giao tiếp một cách ngắn gọn.
"Tôi luôn cố gắng giải thích điều gì đó rất thú vị và tuyệt vời với đồng nghiệp, nhưng họ không hiểu. Tôi vẽ, viết rất nhiều và họ yêu thích điều đó", anh nói. Đối với Franklin, chứng bệnh anh mang trở thành ưu điểm, đem lại tư duy sáng tạo những công cụ giúp đỡ con người.
Đa số người lớn mắc chứng tự kỷ vẫn có thể hoạt động bình thường, hòa nhập và làm việc độc lập, dù trông họ có vẻ "già đời" hơn.
Tuy nhiên, do quan điểm chung của xã hội Mỹ, hiện tại có tới 40% trong số đó không có việc làm hay thậm chí hoàn thành việc học tập, theo khảo sát của nhà nghiên cứu Anne Roux, từ Viện Tự kỷ A.J Drexel tại Philadelphia. Đây là tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với các nhóm mắc các chứng bệnh liên quan tới tâm thần khác.
Lý do của kết quả trên là vì các dịch vụ xã hội giúp cải thiện giao tiếp xã hội thường chỉ phục vụ nhóm tuổi nhỏ hơn là chủ yếu. "Một khi đã lớn lên, những nguồn lực quý giá đó cũng không còn đáp ứng nhu cầu", Leslie Long, phó chủ tịch nhóm Autism Speaks chia sẻ. Ở Mỹ, có khoảng 50.000 người mắc chứng tự kỷ bước vào tuổi trưởng thành mỗi năm.