Ông Phạm Văn Bốn - Bí thư Huyện ủy huyện Mộc Hóa (Long An) đang đi trên đường thì bị một bãi nước miếng “bay trúng mặt”. Nhìn thấy hai người đàn ông đang chạy xe phía trước, ông Bốn bực tức nên chạy theo, cãi nhau một chặp khiến dư luận xôn xao.
Không chỉ ông Bốn, nhiều người trong các bạn, rất có thể là nạn nhân của một bịch rác, hay ly nước mía đã qua sử dụng từ trên ô tô bay thẳng vào mặt. Tệ hơn, là một túi ni lông đựng đồ “a sê nôn” từ trên xe vứt xuống.
Rác, như một phần tất yếu trong cuộc sống. Bảng cấm đổ rác mọc lên khắp nơi, và chỗ nào có bảng cấm đổ rác thì chỗ đó đương nhiên chỗ đó rác chất cao như núi. Để dọn rác, chính quyền, đoàn thể người xe khẩu hiệu dập dìu, báo đài tháp tùng cờ đèn kèn trống. Thế nhưng, phong trào đi qua thì rác vẫn ở lại. Tất cả chỉ dừng lại ở mức... phong trào.
Thậm chí, sau những lễ phát động bảo vệ môi trường, có nơi người ta còn phải dọn rác khẩu hiệu vứt bừa bãi. Dọn rác kiểu phong trào, chặng hạn 1.000 đoàn viên cùng nhau ra quân trong buổi dọn rác bãi biển nhưng có người chứng kiến cảnh này tường thuật lại: chỉ khoảng 20 người làm, số còn lại chỉ dọn hời hợt, chụp ảnh rồi sau đó… biến mất.
Chuyện người Việt tiểu bậy ra đường, trét bã kẹo cao su trong rạp chiếu phim, vứt chuột chết ra đường, quăng rác xuống kênh, đổ xà bần ở gầm cầu, là những chuyện không có gì lạ. Cho nên, khi mạng xã hội đưa hình ảnh nhóm người nước ngoài dọn rác dưới cống ở thủ đô Hà Nội, lập tức những hình ảnh này lan tỏa và tạo cơn sốt.
Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung gắn logo biểu tượng Hà Nội cho anh Kendall.
Ngày 15.5, một tài khoản facebook đăng hình ảnh những ông Tây dọn cống kèm nội dung: "Hình ảnh này mình chụp sáng nay tại cuối ngõ 381/55/4 Nguyễn Khang (đoạn nối sang Thành Thái), Hà Nội…Mình xin chụp ảnh, thì bạn ý đồng ý và ngẩng lên cười như trong ảnh ấy. Rồi mình cảm ơn các bạn đã giúp làm sạch "con suối" mà thực sự là một cái cống lộ thiên, hôi thối và chở nặng rác có lẽ hàng mấy chục năm…"
Những hình ảnh ông Tây dọn rác này ngay sau đó được hàng chục ngàn lượt chia sẻ và nhận được hưởng ứng rất lớn từ cộng đồng mạng: "Hành động của các anh rất có ý nghĩa", "Giá mà ai cũng như họ thì không có ai xả rác bừa bãi"...
Khi những hình ảnh đẹp này lan tràn trên mạng, như một ngọn lửa nhỏ thức tỉnh ý thức người Việt thì một cán bộ lãnh đạo phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy tạt ngay gáo nước lạnh với phát biểu “những người này dọn là tốt nhưng chưa xin phép làm chính quyền bức xúc”.
Phát biểu gây bão của cán bộ làm nóng dư luận, cũng nhận được hàng chục ngàn lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Rất nhanh chóng, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có một buổi gặp gỡ và cảm ơn những ông Tây “dọn rác không xin phép”. Ông Chung chia sẻ: "Thay mặt lãnh đạo thành phố và với tư cách cá nhân tôi rất mong muốn anh cùng nhóm của mình tiếp tục kêu gọi, động viên những người bạn là người nước ngoài tham gia tích cực các hoạt động vệ sinh môi trường".
Việc dọn rác của những người nước ngoài là hành động đẹp. Và việc cảm ơn của ông Nguyễn Đức Chung là việc nên làm. Ông Chung đã tự tay đeo logo thành phố Hà Nội lên ngực áo anh James Joseph Kendall, một người Mỹ. Anh Kendall hiện đang làm giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ ở Hà Nội. Anh Kendall cũng đang quản lý một nhóm trên Facebook có tên Keep Hanoi Clean (Gìn giữ Hà Nội sạch đẹp), với lời giới thiệu: "Nhóm này dành cho bất cứ ai muốn tình nguyện giữ cho thành phố được sạch đẹp. Chúng tôi cần mọi người trông chừng trước những người xả rác ra ao, hồ, cống nước. Chúng tôi cũng sẽ tìm những nơi nước tắc đọng, làm sạch chúng và trồng cây sau khi đã dọn sạch rác".
"Kế hoạch này nhằm giúp cho thành phố được sạch đẹp, và khởi nguồn từ những người tại đây. Với những ai muốn tình nguyện giúp đỡ, những khu vực là mục tiêu dọn dẹp sẽ được thông báo, tập hợp mọi người. Việc gìn giữ Hà Nội sạch đẹp sẽ phụ thuộc vào mọi người, từ nhóm này sẽ nhân rộng ra thêm", anh Kendall kêu gọi.
Cũng câu chuyện rác, du khách khi đến Quy Nhơn (Bình Định) thăm tượng đài Trần Hưng Đạo tọa lạc trên đồi Hải Minh cũng rất bức xúc khi xung quanh tượng đài ngập rác. Thế nhưng, ở khu vực này nhiều năm nay không hề có sự thay đổi. Ở đây không có những ông Tây tốt bụng, yêu môi trường và có ý thức bảo vệ môi trường như James Joseph Kendall, ở đây chỉ có rất nhiều… người Việt và rác thì chỉ có dày thêm chứ không thể tự biến mất.
Chừng nào việc dọn rác của chính quyền địa phương, đoàn thể và người dân cũng xuất phát từ tâm như “ông Tây dọn rác” chứ không phải là trò “cờ đèn kèn trống” để biểu diễn, thì chúng ta mới mong hết cảnh rác thải ngập ngụa.