Theo TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, sản lượng đường niên vụ 2015/2016 chỉ đạt 1,22 triệu tấn, giảm gần 200 ngàn tấn so với niên vụ 2014/2015.
Nguyên nhân giảm chủ yếu do hạn hán, xâm nhập mặn đã làm hỏng nhiều diện tích mía, làm giảm năng suất và chất lượng mía (chữ đường) ở nhiều diện tích khác.
Nếu cộng thêm 85.000 tấn đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan mà Bộ Công Thương đang tổ chức đấu giá và 50.000 tấn đường do Hoàng Anh Gia Lai sản xuất ở Lào được nhập về Việt Nam với thuế suất 0%, thì tổng lượng đường trong nước sẽ vẫn chưa tới 1,4 triệu tấn, hụt khá nhiều so với nhu cầu tiêu dùng nội địa mà Bộ Công thương tính toán là khoảng 1,6 triệu tấn.
Sản lượng trong nước giảm mạnh, cộng với một số yếu tố khác như tâm lý cuối vụ, và nhất là giá đường thế giới tăng do sản lượng giảm mạnh ở nhiều nước, đã làm cho giá đường liên tục tăng trong thời gian qua.
So với tháng 3, trong tháng 4 vừa rồi, giá bán buôn đường kính trắng tăng khoảng 300-600 đ/kg (nằm ở mức 15.300-15.700 đ/kg), đường tinh luyện tăng 800-1.500 đ/kg (nằm ở mức 15.800-17.200 đ/kg). Theo dự báo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường sẽ còn tăng trong thời gian tới, nhất là khi đã vào mùa hè làm tăng nhu cầu sử dụng đường.
Tuy nhiên, giá đường tăng mạnh còn có nguyên nhân từ hiện tượng một số nhà máy găm đường lại để đẩy giá lên. Cụ thể, trong tháng 4, một số doanh nghiệp sử dụng đường đã phản ánh lên Bộ Công thương về việc họ không mua được đường ở trong nước để sản xuất.
Do đó, những doanh nghiệp này đã đề nghị cho nhập khẩu đường. Trước thông tin đó, Bộ NN-PTNT đã giao cho Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối chủ trì lập đoàn kiểm tra tình hình tiêu thụ và tồn kho tại một số nhà máy sản xuất đường tinh luyện, đồng thời tham gia với Bộ Công thương đi khảo sát nhu cầu sử dụng đường của một số doanh nghiệp như Vinamilk, Bibica, Coca Cola.
Sau đợt kiểm tra từ 20-27/4, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối có công văn số 335/CB – NS ngày 4/5/2016 gửi Hiệp hội Mía đường, trong đó có nêu ý kiến như sau: “Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, niên vụ 2015/16 có sụt giảm sản lượng mía, đường và tồn kho so với vụ trước; giá đường và giá mía tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ nguyên nhân một số doanh nghiệp đã tích trữ, găm hàng chờ giá lên, gây ra sự khan hiếm giả tạo trên thị trường đường”.
Riêng về đề nghị nhập khẩu thêm đường của một số doanh nghiệp sử dụng đường, chủ trương của Bộ NN-PTNT là phải thật thận trọng. TS Lê Văn Bảnh cho biết, sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ họp với các Bộ, ngành có liên quan về vấn đề này, rồi sẽ có đề xuất cụ thể lên Chính phủ.
Về nguồn cung đường trong nước, theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến hết tháng 4, lượng đường còn tồn trong kho của các nhà máy là 421.828 tấn, tại các công ty thương mại là 20.154 tấn. Việc nhập khẩu 85.000 tấn đường theo hạn ngạch thuế quan nhiều khả năng sẽ bắt đầu được thực hiện từ cuối tháng 5. Ngoài ra, đường nhập lậu vẫn vào qua biên giới Tây Nam, khu vực Tây Nguyên và miền Trung. Vì thế, trước mắt, nguồn cung đường cho nhu cầu nội địa sẽ chưa đến mức căng thẳng.
Thế giới thiếu hụt hàng triệu tấn đường Không chỉ ở Việt Nam, do ảnh hưởng của El Nino, trong niên vụ 2015/2016, đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế liên quan đến ngành đường cho thấy, sản lượng đường trên thế giới cũng bị sụt giảm mạnh và thiếu hụt khá nhiều so với nhu cầu. Mới đây nhất, ngày 16/5, dựa trên báo cáo về sản lượng đường của Brazil (nước sản xuất đường lớn nhất thế giới), Platts Kingsman đã đưa ra dự báo rằng niên vụ 2015/2016, toàn thế giới sẽ thiếu hụt 5,48 triệu tấn đường. Trước đó mấy ngày (13/5), Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) cũng dự báo rằng sản lượng đường thế giới niên vụ 2015/2016 hụt 6,65 triệu tấn so với nhu cầu. Ngày 9/5, Datagro dự báo sản lượng đường thế giới hụt 6,49 triệu tấn… Các dự báo của những tổ chức khác, được đưa ra từ tháng 2-4/2016, cũng đều cho rằng sản lượng đường thế giới năm nay thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Dự báo lạc quan nhất là cung thấp hơn cầu khoảng 3 triệu tấn, còn dự báo bi quan nhất thì cho rằng nguồn cung bị thiếu hụt tới 11,4 triệu tấn. |