Mất gần một ngày ròng rã lội bộ, băng qua những cánh rừng già và nhiều cung đường khúc khuỷu, chúng tôi mới đặt chân đến làng Canh Tiến. Một cảnh tượng thú vị hiện ra trước mắt, khi hàng trăm chú heo màu đen nhẻm chạy lông nhông ngoài đường và vô tư bước đi ngay trên thềm nhà. Đây đều là heo của người dân trong làng nuôi và họ gọi với cái tên thân thương là heo làng.
Những con heo hì hụi kiếm ăn...
...và tự do phơi nắng giữa đường
Ông Diệp Đăng Dũng (49 tuổi, làng Canh Tiến) cho biết: “Heo làng có gốc gác từ heo rừng nhưng lai tạp qua nhiều đời khác nhau nên không còn giống heo rừng nữa. Đặc điểm nhận dạng là chúng nhỏ con, mang màu đen và chạy lung tung khắp làng. Gia đình tôi nuôi 2 con nái, năm đẻ 2 lứa với gần 50 con. Nhờ vậy có có thu nhập khoảng 20 triệu đồng mỗi năm mà chẳng lo chuyện sinh sản của bầy heo”.
Heo làng sống rất gần gũi với người dân Canh Tiến
Theo ông Dũng, sau khi nuôi vài tháng là gia đình ông có thể xuất bán đàn heo thịt với giá 100.000 đồng/kg. Vì thịt heo làng rất thơm, ngon nên được người mua ưa chuộng.
“Người mua nghe nói heo làng thì họ thích lắm. Thịt ngon khỏi phải nói” - ông Dũng chia sẻ.
Heo con có cha là heo rừng nên mang màu màu sắc lạ
Điều lạ lùng tại làng Canh Tiến là dù tại đây có hàng trăm con heo làng nhưng chẳng có nhà nào phải lo chuyện sinh sản cho đàn heo. Bởi lẽ, heo ở đây sống tự do và tự lo lấy mọi việc. Đàn heo cái tự tìm "đối tác" của mình để sinh sản và làm ổ ngay trong rừng. Sau khi sinh sản xong, chúng kéo đàn heo con về thăm nhà và tiếp tục những chuyến đi... lông nhông.
Đàn heo con quấn quýt bên mẹ
Ông Dũng cho hay: “Mỗi ngày, đến giờ ăn thì tôi cho đàn heo ăn cám và thực phẩm có sẵn. Còn chuyện heo nái cả tuần không về nhà là chuyện bình thường, lúc đó chúng đang làm ổ để sinh sản tại rừng rồi mới dắt díu đàn con về. Nếu con đực là heo rừng thì đàn con lai heo rừng sẽ có màu sắc trên lông, còn nếu con đực là heo làng thì heo con vẫn mang màu đen kịt vậy. Vừa rồi, con heo nái nhà tôi vào rừng rồi tự sinh sản luôn, dắt về được 13 con, gia đình tôi sướng rân”.
Ông Phạm Đình Ngọc (52 tuổi, làng Canh Tiến) cho hay: “Chúng tôi nuôi heo thả rông vậy nên không cần lo nhiều về chuyện sinh sản. Ở miền xuôi, khi đến chu kỳ thì người nuôi heo mất tiền để đàn heo giao phối. Còn ở đây thì không có chuyện đó”.