Từ ngày 2.1.2013, Nhà nước tiến hành lấy ý kiến nhân dân cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Thời gian lấy ý kiến 3 tháng thực ra là không nhiều. Nếu không quan tâm công tác này thì kết quả cuối cùng có thể sẽ rất hạn chế, không phải sợ ít lượt người góp ý hay góp ý thiếu chất lượng, mà sợ nhất chính là số người góp ý không đủ đại diện cho các tầng lớp nhân dân.
Nếu quan sát sơ qua 2 ngày đầu tại trang “Dự thảo online” của Văn phòng Quốc hội thì thấy đã có rất nhiều góp ý tâm huyết của người dân. Hình thức này hay cách góp ý qua các trang báo mạng ở Việt Nam là hình thức xem ra dễ làm nhất và nhanh nhất.
Về khâu tuyên truyền, có lẽ bình dân và hiệu quả nhất là qua đài, TV (với lớp trẻ là mạng Internet) và nên thông qua nhiều buổi tọa đàm hấp dẫn vào những giờ phù hợp hơn là chỉ đọc hay in những điều khoản khô cứng khó hiểu, và không dễ dàng đưa vào bộ nhớ trong một thời gian ngắn.
Ngoài các hình thức lấy ý kiến đã nêu trên, theo tôi để lấy ý kiến có định hướng phải vận dụng cả các phương pháp khác như phỏng vấn trực tiếp, gọi điện thoại, gửi thư (tốt nhất với các câu hỏi chuẩn bị sẵn). Trong đó, phỏng vấn trực tiếp và gọi điện thoại đòi hỏi những người làm công việc này có hiểu biết tốt về Hiến pháp và lòng kiên nhẫn cao để giải thích khi cần thiết và ghi chép ý kiến người được hỏi.
Với các trường hợp phải lấy ý kiến qua phỏng vấn, gọi điện thoại hay qua ủy nhiệm online, thư (nếu được chấp nhận) thì các góp ý nhiều khi sẽ ngắn gọn, thậm chí khó hiểu. Lúc này cần những người thực sự tâm huyết, chớ thấy những lời mộc mạc, dân dã lại xem nhẹ, bỏ qua thì có thể rất sai lầm. Bởi sau những góp ý đó có thể chắt lọc được những điều rất quý giá, nhiều khi còn giá trị hơn những lý luận cao siêu mà ít giá trị.
Ví dụ khi một người nông dân nói về quyền sở hữu, hay quản lý đất đai thì phải có người đủ trình độ “dịch nghĩa, chuyển ngữ” sang điều nào, khoản nào tương ứng của Hiến pháp. Hay khi một người vùng dân tộc ít người nói về việc bảo tồn ngôn ngữ, tiếng nói, nguyện vọng cá nhân người dân vùng đó thì cũng không thể hỏi họ định góp ý cho cụ thể điều nào của Hiến pháp...
Vì vậy, cả hệ thống nhà nước cần vận hành để khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho ông chủ thực sự của nó là nhân dân có điều kiện tốt nhất tham gia sửa đổi Dự thảo Hiến pháp. Những nỗ lực của Nhà nước và nhân dân đều không thừa, vì nó không đơn thuần là góp ý cho bản Hiến pháp mà còn là sự nâng cao những nhận thức cơ bản. Đặc biệt, có thể coi đây là một cuộc tập dượt về sử dụng quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân mà chúng ta bấy lâu còn sao lãng. Một sự đồng thuận cao của nhân dân và Nhà nước trong sửa đổi Hiến pháp có thể sẽ là dấu hiệu tích cực cho việc mở ra một trang mới thịnh vượng của đất nước.
Nguyễn Hoàng Hải