Tú Anh đang cảm thấy rất tự tin, thoải mái vì được sống thật với giới tính của mình.
Dù Quốc hội đã thông qua Luật chuyển đổi giới tính nhưng phải đến năm 2017, Bộ luật này mới có hiệu lực, nên tại Hội thảo “Chia sẻ thông tin về vấn đề chuyển đổi giới tính” ngày 24/5 vẫn còn rất nhiều câu chuyện đau lòng. Họ mong muốn tìm lại giới tính thật và được xã hội thừa nhận.
Bạn Nguyễn Minh Quân (TP.HCM) tâm sự, từ nhỏ em đã có những cử chỉ, lời nói, ăn mặc giống con gái. Năm lên cấp 2, em có sự khác biệt về cơ thể. Em thấy vòng 1 to dần ra.
Lo lắng nhưng Quân không dám nói với ai, em quyết tâm học đại học, kiếm tiền để phẫu thuật chuyển giới. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp, cầm tấm bằng loại khá đi phỏng vấn và bị từ chối. Nhà tuyển dụng phản hồi, nếu Quân muốn vào làm việc phải thay đổi bản thân bởi vóc dáng, hình thể, lời ăn tiếng nói không phù hợp với văn hóa công ty.
Quá đau đớn, Quân buộc phải tìm cách tăng cân. Em ngày đêm ăn uống, tập luyện để tăng từ 45 kg đến 75 kg trong vòng 1 năm. Em học cách cư xử, đi đứng nói năng như một người đàn ông. Từ đó bản thân Quân phải đối mặt với nhiều vấn đề. Em bị kỳ thị và cảm thấy mình bị tước đi cơ hội học hành, cơ hội làm việc và cơ hội thể hiện.
Khao khát tìm lại chính mình, Quân tự sử dụng thuốc nội tiết tiêm nhưng bị áp xe. Khi mang thuốc đến cơ sở y tế, họ không tiêm, quay lại nhìn em với ánh mắt khinh bỉ.
Hiện tại, Quân đã làm giảng viên của một trường đại học nhưng em vẫn chưa dám công khai giới tính thật, chỉ số ít người biết Quân mang hình dáng nam nhưng thực tế là nữ. Số người chia sẻ thì ít mà số người “chọc ngoáy” thì nhiều. Mỗi lần va chạm công việc, họ lại đem vấn đề về giới tính của Quân ra chế giễu. Dù rất đau lòng nhưng Quân chỉ biết im lặng.
Từ câu chuyện đau lòng của đời mình, Quân đề xuất với lãnh đạo Bộ Y tế cho phép trẻ xác định lại giới tính trước tuổi dậy thì để có biện pháp y học can thiệp kịp thời. Hơn nữa, Quân cũng mong muốn pháp luật có quy định sửa đổi lại giấy tờ để sống đúng nghĩa với giới tính của bản thân.
Can đảm hơn Quân, thà được làm chính mình còn hơn bị ép thay đổi, Chu Thanh Hà 26 tuổi, ở Hà Nội công khai giới tính nam từ năm 2013.
Hà kể, khi đi làm, em bị từ chối ở rất nhiều nơi vì họ muốn em thể hiện đúng với giới tính sinh học là nữ. Mặc dù em muốn làm công việc phù hợp với lực học và tấm bằng nhưng đi đâu cũng bị từ chối.
Hà cảm thấy không thể chờ được nữa, Hà mệt mỏi, ức chế và đau đớn. Khi đi làm, em không thể mặc bộ váy trong khi giới tính mình là nam. Hà nghĩ, thà em có công việc khác để được là chính mình còn hơn giả tạo.
Cũng giống như Quân, Thanh Hà luôn cảm thấy đơn độc và khó khăn khi sử dụng hóc môn. Hà nói, mỗi lần tiêm, không phải mất 1 triệu một tháng mà là an toàn trong dùng thuốc.
Hà nhớ lại cảm giác khi em tự cầm ống tiêm tiêm vào đùi mình đau đớn như thế nào. Em và bạn bè trong cộng đồng chuyển giới không có kỹ năng chuyên môn nên rất lo sợ biến chứng có thể xảy ra.
Sau câu chuyện của mình, Thanh Hà mong muốn có nhiều dịch vụ hỗ trợ về mặt tâm lý cho người chuyển giới.
May mắn hơn Minh Quân, Thanh Hà, bạn Đào Tú Anh (Hà Nội) chia sẻ, đã từng phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ ở cách đây 1 năm. Em phẫu thuật tạo hình ngực trước sau đó phẫu thuật tạo hình bộ phận sinh dục.
Nỗi đau của Tú Anh cũng là nỗi đau của hàng nghìn người chuyển giới khác, khi đang sống một cuộc đời “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Nhưng giờ đây, Tú Anh đang cảm thấy rất tự tin, thoải mái vì được sống thật với giới tính của mình.
“Được như hiện nay, tôi đã phải chấp nhận đau đớn, không dám nói với gia đình vì sợ mọi người ngăn cản. Khi nằm trên bàn mổ, tôi chỉ có một điều ước là được trở thành nữ giới”, Tú Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, sau khi chuyển giới, chị đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, như khi đi máy bay, khi giao dịch ngân hàng, khám nghĩa vụ quân sự… Vì giấy tờ giới tính là nam, nhưng bề ngoài là nữ, nên chị phải giải thích rất nhiều mới được chấp nhận.
Vì thế, Tú Anh mong muốn xã hội chấp nhận, Luật sớm thông qua và tạo một lối mở cho những người chuyển giới.