Dân Việt

Cơ thể biến đổi ra sao khi leo lên đỉnh Everest

Mẫn Di - CNN 25/05/2016 13:50 GMT+7
"Cơ thể con người không sinh ra để chống chọi ở độ cao 8488m, mà sẽ chết dần dần".

img

Đó là giọng nói của Rob Hall do Jason Clarke thủ vai, trong bộ phim Everest dựa trên sự kiện có thật về đoàn thám hiểm lên nóc nhà thế giới năm 1996 có 8 người chết trong cơn bão tuyết. Chi tiết hành trình kinh hoàng này cũng được ghi chép cẩn thận trong cuốn sách bán chạy nhất "Into Thin Air" của Jon Krakauer.

Tuy nhiên, lời cảnh báo giật gân trên phim liệu có thực? Dựa trên kinh nghiệm của những người từng đến đó thì câu trả lời là có. 

Ở độ cao 8488m, đây là nơi khí hậu vô cùng khắc nghiệt so với giới hạn của con người do băng giá và ít khí oxy. Tóm lại, nơi này không chào đón bất kỳ sinh vật sống nào và cơ thể con người cũng không phải ngoại lệ. Năm 2016, 4 người đã chết trên ngọn núi Everest chỉ trong 4 ngày, bao gồm 1 người dẫn đường, còn 2 người khác bị mất tích.

Jon Kedrowski, một nhà địa lý và leo núi cho biết: "Everest là ngọn núi khắc nghiệt. Ở độ cao ấy, cơ thể con người bắt đầu suy kiệt ở mức độ nào đó". Kedrowski đã lên đỉnh Everest năm 2012, năm thảm họa do quá đông người kèm theo thời tiết tệ hại tạo ra "vùng chết" ngay gần đỉnh núi. Đã có 10 người chết, nhưng ngọn núi vẫn tiếp tục thu hút những người sẵn sàng học hỏi và tập luyện dù phải chấp nhận rủi ro.

Điều gì sẽ xảy ra trên đỉnh Everest?

img

Nhà leo núi Eric Arnold mới thiệt mạng năm nay do đau tim

Ho và sốt do ở núi cao là bệnh thường gặp đối với người leo Everest. Ốm sốt có thể dẫn tới nhức đầu và khó thở, nhưng có thể đối phó bằng cách leo không quá 300m mỗi ngày. Riêng ho, không ai có thể miễn nhiễm vì không khí lạnh, nhưng chứng này sẽ dẫn tới khô và vỡ niêm mạc phổi. Nhiều người thậm chí đã gãy xương sườn vì ho quá nặng.

Các nhà leo núi cũng chuẩn bị cho việc sốc lạnh và tê cóng khi lên tới đỉnh, nhưng có một yếu tố mà họ không chú ý tới: nhiệt độ. Tuyết và băng phản xạ lại ánh nắng sáng chói của mặt trời, gây ra cháy nắng, đặc biệt là ở Thác băng Khumbu và Thung lũng băng Tây. Nhiệt độ ban ngày ở đây có thể chạm tới 32-33 độ.

Người leo núi cũng có hàng loạt những triệu chứng như mệt mỏi cùng cực, thở nông và ho ra máu. Thiếu oxy lên não có thể gây phát ban, gây lú lẫn và có những quyết định sai lầm chết người ở địa điểm nguy hiểm như thác băng Khumbu. Cách giải quyết duy nhất là xuống độ cao thấp hơn và đa số không thể tự đi lại mà phải có sự trợ giúp hoặc thậm chí khiêng xuống.

Để leo Everest cần chuẩn bị những gì?

img
Nhóm leo núi trên đỉnh Everest

Một trong những bước chuẩn bị đầu tiên là tham khảo ý kiến bác sĩ để đánh giá sức khỏe thể chất. Đây cũng là cách phát hiện ra bất cứ vấn đề nào của cơ thể ở độ cao lớn.

Nếu Kedrowski dẫn đầu đoàn thám hiểm, ông sẽ sàng lọc khách hàng và thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp để họ chuẩn bị. Đối với điều kiện độ cao thì sức bền là yếu tố quyết định chứ không phải là sức mạnh cơ bắp.

"Trạm Everest nằm ở độ cao 5360m, mức oxy giảm đi 50%. Ví dụ như trước khi lên đỉnh núi vào tháng 5, Kedrowski khuyến cáo người leo ở lại trạm từ tháng 4 để thích nghi trong vài tuần. Trước đó có ý kiến cho rằng người leo nên ở lại từ tháng 3, tức là trước 10 tuần, nhưng điều đó có thể khiến khối lượng, sức khỏe và độ bền suy giảm, khiến việc leo núi trở nên nguy hiểm hơn", Kedrowski cho biết.

Biết rõ về những chấn thương và điều kiện khó khăn trên Everest, bác sĩ Luanne Freer đã thành lập phòng khám Everest Base Camp vào năm 2003. Các bác sĩ có chuyên môn về leo núi và tình nguyện viên sẽ ở tại đây trong mỗi mùa leo núi.

Trung bình, họ hỗ trợ khoảng 500 người từ 1.4 tới cuối tháng 5 với bất kì vấn đề nào, từ ho, cho tới viêm phổi hoặc phù não, hay chấn thương phần mềm như bong gân hoặc gãy chân do địa hình núi đá.

Thực phẩm

img
Trạm y tế 

Việc ăn uống đóng vai trò rất quan trọng, liên quan trực tiếp tới cách cơ thể phản ứng trên núi Everest. Tiêu hóa sẽ chậm dần ở độ cao lớn, cho tới khi ruột bị thiếu oxy và không thể đưa chất dinh dưỡng tới cơ bắp.

Kedrowski khuyến cáo nên chia nhỏ bữa ăn trước khi lên mỗi trạm khác nhau. Tiêu hóa quá nhiều thức ăn sẽ làm máu tập trung xuống dạ dày và khiến chức năng cơ thể khác bị suy giảm. Ở điều kiện này, cơ thể cũng yêu cầu nhiều đường hơn và khó tiêu hóa protein. Kedrowski và nhóm thường ăn mì, rau đóng hộp, thịt, gạo, đậu, súp và các món ăn nhẹ trộn lẫn lộn như chocolate, bánh và bánh quy giòn.

Người leo núi dựa vào tuyết để lấy nước, nhưng trong những năm gần đây số lượng người leo núi tăng dần đồng nghĩa với việc vi khuẩn trong chất thải có thể nằm trong nước và gây tiêu chảy.

Trở lại cuộc sống bình thường

img

Freer và Kedrowski khuyến cáo nên tới bác sĩ kiểm tra thường xuyên sau khi leo núi, đặc biệt là khi gặp vấn đề trên Everest. Nhiều biến chứng từ bỏng lạnh có thể tạo sẹo lồi. Nếu những người này tiếp tục leo Everest thì họ có thể nhạy cảm hơn với thời tiết khắc nghiệt, thậm chí dẫn tới tử vong.

Dù thế, Kedrowski hiểu lý do nhiều người phấn đấu đạt mục tiêu này. Khi đặt chân lên đỉnh vào mùa leo thảm họa năm 2012, ông đã cảm thấy thỏa nguyện khi đứng trên nóc nhà thế giới, và yên tâm rằng giờ mình có thể xuống núi.

Đối với những người còn mơ hồ về Everest, Freer khuyên rằng: "Hãy chuẩn bị cho bài kiểm tra căng thẳng bậc nhất".