Bé Mum của “Pu Lộc”
Anh là Nguyễn Hữu Lộc, ở 36 Ngô Thị Liễu, TP.Đà Nẵng. Năm 1979, đất nước Campuchia đã thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn-pốt nhưng tình hình vẫn chưa yên. Anh Lộc được điều động sang Campuchia, đóng tại xã Lò-via, huyện Mông-kơp-rây, tỉnh Bat-dom-bong.
CCB Nguyễn Hữu Lộc và các bức ảnh bé Mum. |
Một lần, đang ở trung tâm thành phố, bất chợt một cô bé chừng 9-10 tuổi, gày nhom, nước da vàng võ đến bên anh và nói: “Chú bộ đội Việt Nam ơi, tôi đói lắm, cho tôi ăn với!”. Nói chuyện với cô bé, anh biết cháu tên Mum và cha mẹ đã bị bọn Pôn-pốt sát hại, không có nhà để về. Cô bé thì gọi anh là Pu Lộc (chú Lộc). Tuy nhiên, đơn vị đang làm nhiệm vụ, làm sao cưu mang được bé, vậy là anh chở Mum vào trại mồ côi. Hai tháng sau, hay tin anh đã về thị xã, Mum đi tìm. Lần này cô bé kiên quyết không vào trại mồ côi nữa mà đòi ở với Pu Lộc. Anh nghĩ số phận đã định sẵn nên xin phép thủ trưởng cho cháu ở lại. Mum trở thành đứa con chung của đơn vị.
Nhưng rồi, do yêu cầu công việc, anh phải thuyên chuyển công tác về huyện xa nơi đóng quân gần 50km, anh đành đưa cháu trở lại trại mồ côi. Hai năm anh ở huyện Mông-rư-xây, bé Mum đã một mình đi tìm thăm anh. Sau đó, Mum đi làm tại Bệnh viện Liên Xô -Campuchia. Về thăm Mum, anh vui mừng vì cháu đã lớn và khỏe mạnh, lấy chồng và đã sinh được con gái đầu lòng.
Trận đánh bắt địch ở Nẹ-ta-thơ-via
Lúc này là năm 1980, anh ở trong đội công tác giúp bạn xây dựng cơ sở và vận động quần chúng. Dân phản ảnh, cách phum Nẹ-ta-thơ-via khoảng 5km, có chừng 150 tên Pôn-pốt đang ẩn náu trong rừng với đầy đủ vũ khí. Dân quân của xã cũng chỉ chừng 2 tiểu đội, lấy đâu ra lực lượng tấn công.
Một phương án táo bạo được đưa ra, đó là cho dân quân giả làm dân thường vào rừng để móc nối với chúng, mời chúng về phum ăn uống sau đó phục bắt. Thực hiện theo ý định, dân quân đã thuyết phục bọn địch về phum, chuốc rượu cho chúng ngà ngà say rồi giấu vũ khí, sau đó bắt sống toàn bộ quân địch. 3 lần dụ địch như vậy, tổng cộng 65 tên bị bắt mà bạn không đổ một giọt máu nào. Số còn lại trốn trong rừng thấy không có tương lai nên đã kéo nhau ra đầu thú. Trận đánh chỉ tốn 300kg gạo mượn của bà con.
Sau đó mỗi năm, cứ tới ngày giải phóng Campuchia (7.1), anh Lộc lại được mời đi nói chuyện, nhưng giờ sức khỏe anh yếu quá rồi. Người lính tình nguyện ấy chỉ ước “có điều kiện được qua Campuchia, thăm lại những vùng quê tôi từng công tác. Nhất là được thăm bé Mum”.
Hồng Vân