Nhỏ vắc xin là biện pháp duy nhất ngăn ngừa virus bại liệt xâm nhập. (Ảnh: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương).
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Việt Nam sẽ thay thế vắc xin bại liệt uống 3 týp bằng vắc xin bại liệt uống 2 týp từ tháng 6/2016.
Trước thông tin này, rất nhiều người lo ngại về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin mới. Vậy, vì sao Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt mà vẫn phải chuyển đổi vắc xin? Bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ giải đáp thắc mắc về loại vắc xin sắp được thay thế này.
Thưa bà, tại sao trẻ Việt Nam vẫn phải uống vắc xin bại liệt trong khi Việt Nam đã thanh toán được bệnh này?
Bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. (Ảnh: Người đưa tin) |
Tại Việt Nam, bệnh bại liệt đã được thanh toán từ năm 2000. Tuy nhiên, trong bối cảnh virus bại liệt hoang dại vẫn còn lưu hành trên thế giới cùng với việc mở rộng giao lưu quốc tế như hiện nay, nguy cơ lây truyền bệnh bại liệt tại Việt Nam là rất lớn. Việc duy trì, sử dụng vắc xin bại liệt uống là rất cần thiết để bảo đảm phòng bệnh bại liệt cho trẻ em và cộng đồng. Việc sử dụng vắc xin bại liệt sẽ tiếp tục được duy trì cho đến khi bệnh bại liệt được thanh toán hoàn toàn trên quy mô toàn cầu.
Lịch tiêm chủng đối với vắc-xin bại liệt mới 2 týp có thay đổi gì so với trước kia, thưa bà?
Lịch tiêm chủng vắc xin bại liệt 2 týp trong tiêm chủng mở rộng tương tự như uống vắc xin bại liệt 3 týp trước đây. Cụ thể: Liều 1: Cho trẻ uống lúc 2 tháng tuổi; Liều 2: Cho trẻ uống lúc 3 tháng tuổi; Liều 3: cho trẻ uống lúc 4 tháng tuổi.
Xin bà cho biết, vắc xin bại liệt có phản ứng phụ như thế nào? So với vắc xin 3 týp thì vắc xin 2 týp có tác dụng phụ nào khác không?
Sử dụng vắc xin bại liệt uống trong hơn 50 năm qua trên quy mô toàn cầu và hơn 30 năm ở Việt Nam đã cho thấy đây là vắc xin an toàn. Rất hiếm gặp các dấu hiệu bất thường như đau cơ, yếu cơ, liệt sau uống vắc xin. Trong 30 năm triển khai vắc xin uống bại liệt ở Việt Nam, không ghi nhận phản ứng trầm trọng xảy ra sau khi uống vắc xin.
Vậy, bệnh bại liệt lây truyền và thường mắc ở lứa tuổi nào? Biểu hiện của bệnh như thế nào, thưa bà?
Đây là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường tiêu hóa. Virus vào cơ thể qua thức ăn hoặc nước uống mang mầm bệnh. Bệnh rất dễ lây, người mang mầm bệnh bị nhiễm virus, những người lành mang virus có thể trở thành nguồn truyền bệnh cho trẻ em sống cùng nhà.
Ai cũng có thể mắc bệnh bại liệt. Tuy nhiên, bệnh này thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Đa số trẻ bị nhiễm virus không có biểu hiện triệu chứng và chỉ khoảng 5% có biểu hiện lâm sàng. Bệnh ở mức độ nhẹ có biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn. Nếu bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân có thể thấy đau cơ dữ dội, cứng cổ và liệt phần mềm.
Dấu hiệu do bại liệt là liệt phần mềm không đối xứng giữa bên phải và bên trái. Có thể trẻ chỉ liệt một bên tay hoặc chân, có thể liệt cả 2 bên nhưng mức độ liệt khác nhau. Liệt chân thường phổ biến hơn liệt tay. Một số trường hợp có thể liệt cơ hô hấp, cơ nuốt nên trẻ dễ bị tử vong. Nếu liệt tiến triển nhanh, chỉ trong 3-4 ngày trẻ đã bị liệt. Những trường hợp qua khỏi nhưng cũng để lại di chứng liệt suốt đời, không thể hồi phục.
Số lượng vắc xin tiêm cho trẻ có bảo đảm cung ứng đủ? Liệu có xảy ra tình trạng khan hiếm vắc xin bại liệt như vắc xin 5 trong 1 trong thời gian qua?
Việc bảo quản vắc xin bại liệt uống 2 týp (1 và 3) tương tự như vắc xin bại liệt uống trước đây. Vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C.
Tôi khẳng định vắc xin bại liệt được sử dụng trong tiêm chủng mở rộng và bảo đảm cung ứng đầy đủ, miễn phí cho trẻ 2,3,4 tháng tuổi tại các trạm y tế xã, phường trên toàn quốc từ tháng 6/2016.
Trẻ uống vắc xin bại liệt sau bao lâu có thể phòng được bệnh?
Vắc xin bại liệt uống 2 týp (1 và 3) là vắc xin sống giảm độc lực từ các chủng virus týp 1 và 3. Sau khi uống vắc xin bại liệt khoảng 4 tuần, cơ thể sẽ có kháng thể phòng bệnh. Trẻ được uống đủ 3 liều vắc xin này sẽ có miễn dịch bền vững suốt đời. Nếu đã uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt, hầu hết trẻ sẽ được bảo vệ phòng bệnh bại liệt.
Xin trân trọng cảm ơn bà!