Dân Việt

Lo ngại Bắc Kinh phô trương cuộc chạy đua vũ khí

05/01/2013 08:26 GMT+7
Ngày càng nhiều loại vũ khí mới mang nhãn hiệu “Made in China” được tung ra và đằng sau đó là một thông điệp chính trị về việc Trung Quốc đang trở thành một cường quốc quân sự.

Theo Le Figaro, được đài RFI dẫn lại, tuần qua Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã có nhiều thông cáo chính thức với nội dung mập mờ nói đến một loạt hệ thống vũ khí “thế hệ mới” của nước này sắp ra mắt. Đó là các loại máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công và cả máy bay không người lái.

Trong cuộc triển lãm hàng không tại Châu Hải hồi tháng 11.2012, người Trung Quốc đã trình diễn loại máy bay không người lái có tính năng chiến đấu có tên gọi là Wing Loong.

img
Máy bay tàng hình J-20

Đánh giá về chương trình vũ khí của Trung Quốc, các nhà quan sát phương Tây ghi nhận có một “sự thay đổi kinh ngạc". Trong những năm 1990, người Trung Quốc không hề phô trương kho vũ khí của họ, cũng có thể khi đó họ muốn che giấu cái nghèo khó của mình, còn bây giờ thì giới thiệu rầm rộ. Điều này cho thấy họ đã tiến bộ thực sự và đang ngày càng tự tin vào khả năng của mình”.

Ngoài khía cạnh công nghệ, người Trung Quốc muốn gửi đến các nước trong khu vực và cả Mỹ một tín hiệu rõ rệt về khả năng vươn lên thành cường quốc quân sự. Mọi việc làm đều được tính toán. Người ta đã thấy việc thử nghiệm cất hạ cánh máy bay trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh diễn ra giữa lúc tranh chấp biển đảo với Nhật Bản căng thẳng cao độ và đã được quay phim chụp ảnh tỉ mỉ để phổ biến rầm rộ.

Chiếc máy bay tàng hình J-20 tiến hành chuyến bay đầu tiên cũng diễn ra đúng vào lúc cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gate đến Bắc Kinh. Tiếp đó, khi người kế nhiệm ông Robert Gate là ông Leon Panetta tới thăm Trung Quốc hồi tháng 9.2012, nước chủ nhà cũng cho thử nghiệm loại máy bay tàng hình kiểu mới J-31.

Trong báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã được công bố cuối năm 2012, Nhà Trắng khẳng định: “Trung Quốc đang theo đuổi một chương trình hiện đại hóa quân đội”.

Le Figaro ghi nhận giờ đây xuất hiện tranh cãi khá gay gắt về khả năng phát triển quân đội của Trung Quốc, giữa một bên là các chuyên gia coi thường và một bên là đánh giá quá cao những tiến bộ quân sự của Trung Quốc. Nhiều nhà chuyên môn không khỏi hoài nghi về các loại vũ khí mới của Trung Quốc, cho rằng chỉ mang vẻ bề ngoài hiện đại, còn chất lượng tác chiến của nó thì chưa được kiểm chứng.

Nhiều loại vũ khí mới của Trung Quốc thực chất chỉ là sự cải tiến từ công nghệ của Liên Xô trước đây. Các máy bay chiến đấu ném bom của họ vẫn sử dụng động cơ của Nga. Người Trung Quốc chưa làm chủ công nghệ động cơ phản lực. Trong lĩnh vực này, Bắc Kinh dự tính đầu tư hàng chục tỷ USD trong vòng 20 năm tới.

Theo Vietnam+