Schmidt, lãnh đạo công ty Google với khẩu hiệu “Không làm điều xấu,” lên kế hoạch thăm Triều Tiên cùng với cựu thống đốc bang New Mexico Bill Richardson, người không lạ gi đất nước Triều Tiên. Richardson đã sang Bình Nhưỡng nhiều lần trong 20 năm qua và tham gia vào cuộc thương lượng giúp giải thoát những công dân Mỹ bị bắt giữ tại đây.
Tin tức về chuyến thăm, được cả Mỹ và Hàn Quốc nói là “với tư cách cá nhân,” xuất hiện chỉ vài tuần sau khi Bình Nhưỡng xác nhận bắt giữ một công dân Mỹ gốc Triều Tiên và nói người này sẽ bị truy tố vì tội chưa rõ.
Chủ tịch Google Eric Schmidt phát biểu ở Tokyo trước khi tới Triều Tiên |
Bình Nhưỡng trong quá khứ từng đồng ý trả lại những người bị bắt giữ sau khi các đoàn đại biểu cấp cao của Mỹ như cựu tổng thống Bill Clinton sang Triều Tiên thương lượng và một số nhà phân tích nói vụ lần này có thể cần phải có sự tham gia của Schmidt.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Victoria Nuland khẳng định Washington hiện không thực sự ủng hộ nỗ lực của họ và nói cả Schmidt lẫn Richardson “đều biết rõ” quan điểm này. “Thẳng thắn mà nói chúng tôi không tin rằng lúc này là thời điểm thích hợp… sau những hành động gần đây (của Bình Nhưỡng),” bà Nuland nói, ý nhắc tới vụ phóng tên lửa mang vệ tinh hồi tháng 12.
Bà Nuland nói Schmidt và Richardson có chuyến thăm “không chính thức” và “không mang theo thông điệp gì từ chứng tôi.” Google cũng từ chối xác nhận chính thức chuyến thăm. Văn phòng của ông Richardson nói với AFP rằng ông sẽ không có ở Mỹ tới thứ Sáu và hiện không thể bình luận gì.
Lần gần nhất Richardson tới Bình Nhưỡng là năm 2010 khi ông gặp người đứng đầu phái bộ thương lượng hạt nhân của Triều Tiên trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng liên Triều. Công dân Mỹ bị bắt vào tháng 11, được xác định là Pae Jun Ho, vào nước này như một du khách, theo hãng tin Triều Tiên KCNA, và sau đó đã phạm tội tại Triều Tiên.
Cựu thống đốc bang New Mexico Bill Richardson đã nhiều lần tới Triều Tiên |
Khi được hỏi Mỹ có hài lòng nếu Google giúp Triều Tiên xây dựng cơ sở hạ tầng internet, bà Nuland nói tất cả các công ty Mỹ phải tuân thủ các lệnh cấm vận mà chính quyền Mỹ đang áp đặt với Triều Tiên.