Để lách luật, nhiều người Trung Quốc từng tìm đến các trung tâm kiểu Trung Quốc ở Mỹ để sinh con thứ 2 (Ảnh minh họa)
Năm 2008, một trận động đất rung chuyển tỉnh Tứ Xuyên đã làm hơn 70.000 người thiệt mạng. Đây là thảm họa kinh khủng nhất của Trung Quốc trong vòng 30 năm. Nhiều công nhân từ Bắc Kinh về quê hương xa xôi và thấy những người ở đó đã ra đi.
Đau lòng hơn, trong đó có rất nhiều trẻ em trong các gia đình chỉ có một con, vì Tứ Xuyên là nơi thí điểm chính sách một con trước khi Bắc Kinh ra luật chính thức. Hàng nghìn trẻ em trong các gia đình chỉ có một con đã thiệt mạng do những ngôi trường tuềnh toàng bị đổ sụp trong động đất.
Kết quả là sau khi động đất xảy ra, nhiều bậc cha mẹ đổ xô về các bệnh viện với hy vọng đảo ngược lại những thủ thuật triệt sản mà họ đã thực hiện trước khi quá muộn. Một số đã tuyệt vọng, như Zhu Jianming và vợ đã ở tuổi 50 và 45. Không có con, họ bị xóm làng ghẻ lạnh.
Mất mát của những bậc cha mẹ này không thể đong đếm được. Họ không chỉ mất đi đứa con, ký ức một phần cuộc đời, mà còn khổ sở vì lãnh đạo địa phương o ép với lý do phải lo cho Olympic Bắc Kinh. Họ bị bắt phải ký cam kết hứa sẽ "trở lại với cuộc sống bình thường và tiếp tục làm việc càng sớm càng tốt".
Một thời, gia đình có một con ở Trung Quốc được tuyên truyền là gia đình hạnh phúc
Để đối phó với chính sách một con, nhiều người cố gắng lợi dụng việc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để có thể sinh đôi hay sinh ba mà không bị phạt. Mặc dù những biện pháp trừng phạt đã nới lỏng rất nhiều từ 1990, các công chức vẫn có thể mất việc nếu vi phạm chính sách này.
Thế nhưng không phải ai cũng lách luật thành công, có thể do nhiều yếu tố như ô nhiễm, lối sống. Khái niệm mới "du lịch sinh sản" ra đời. Hiện giờ có rất nhiều người Trung Quốc tới Mỹ để sinh con trong những trung tâm sinh sản theo kiểu Trung Quốc truyền thống, nơi các sản phụ bị cách ly, tuân thủ chế độ ăn uống với thảo mộc và các vị thuốc xưa hàng tháng trời.
Tiêu biểu trong đó có cơ sở "Pretty Angel's Home" ở phía Đông Los Angeles, được bảo vệ cẩn mật 24/24, trang bị bể bơi massage, thậm chí sân golf thu nhỏ. Để tận hưởng những tiện nghi này, họ phải trả khoảng 30.000USD.
Đương nhiên, không phải công dân Trung Quốc nào cũng tới Mỹ để sinh con, nhưng số lượng khách có nhu cầu đó đã tạo nên cả một phân khúc trong thị trường. Tại Trung Quốc, việc đẻ thuê là bất hợp pháp và bị giám sát rất chặt để tránh các cặp vợ chồng lách luật.
Trung Quốc hiện nay đã bỏ chính sách một con, nhưng các gia đình muốn sinh con thứ 2 vẫn phải xin phép
Các bậc cha mẹ Trung Quốc giàu có thì tìm đến dịch vụ tương tự tại Mỹ, cụ thể là ở California, chưa kể con của họ có thể có quốc tịch Mỹ, gây ra 'làn sóng' trẻ em Trung Quốc đổ về Mỹ. Có thể thấy việc sinh con vốn chỉ là bình thường ở các quốc gia khác lại vô cùng phức tạp tại Trung Quốc vì căng thẳng giữa mong muốn cá nhân, chính sách nhà nước và tình hình kinh tế.
Mất cân bằng nam nữ cũng là một hệ quả mà Trung Quốc đang cố gắng sửa chữa. Tuy nhiên sau khi dỡ bỏ chính sách một con ở thời điểm được coi là muộn màng, tỷ lệ nam/nữ chẳng hề được cải thiện, do số lượng nam giới đã quá lớn, chưa kể các gia đình vẫn phải xin phép nếu muốn sinh tiếp, và chỉ trong trường hợp bố hoặc mẹ là con một.
Một số học giả còn cho rằng nỗ lực của chính quyền theo kiểu này chỉ có thể làm chậm quá trình già hóa dân số chứ không thể nào cứu vãn được. Việc thiếu hụt nhân lực lâu dài là mối nguy hiểm tiềm tàng cho nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới.
Nhưng dù sao thì các gia đình vẫn rất hạnh phúc. Họ sẽ chẳng mất thời gian nghiên cứu thống kê và dự đoán như các chuyên gia, mà mong chờ thành viên mới trong gia đình. "Giờ chúng ta không phải sang Mỹ để sinh con nữa", một người dùng mạng viết.