Dân Việt

Hãy hiểu cho người cha hành hung bác sĩ Viện Nhi

Minh Trí 30/05/2016 06:00 GMT+7
Tôi sợ và ám ảnh tiếng gào khóc của người cha tuyệt vọng ấy đến tận giờ.

Tôi sinh ra thiếu tháng, ốm và đi viện là một phần đằng đẵng của tuổi thơ. Năm 1984, tôi “chốt” với chứng viêm màng não, ngày cấp cứu đầu tiên nhập viện Nhi Thụy Điển (nay là BV Nhi Trung ương) cùng 7 trẻ khác cùng bệnh lý, 5 bạn nhỏ cùng lứa mất sau đó 2 ngày.

Tấm vải trắng bợt bạt màu thời gian phủ lên cậu bạn giường bên cạnh, thật lạ tôi không thấy sợ, nằm im thin thít nhìn ông bố cậu ấy khóc vật vã. Khi các cô y tá đến đưa bạn đi người đàn ông cao gày khắc khổ bắt đầu gào thét, hung hăng chửi rủa và xô đẩy dúi dụi những tấm áo blu trắng mang gương mặt cam chịu.

Tôi sợ và ám ảnh tiếng gào khóc của người cha tuyệt vọng ấy đến tận giờ. Não tôi bị tăng áp suất cực cao vì thứ dịch gì đó từ não, bác sĩ quyết định phải chọc tủy sống hạ áp. Sau này nghe kể lại rằng phương án gây mê không được lựa chọn bởi tỷ lệ 80% tôi sẽ “ngủ” mãi mãi.

Bốn bác sĩ to khỏe giữ chặt chân tay, họ khoan gì đó vào đốt sống cụt. Tôi gào thét tuyệt vọng và còn kịp nhìn thấy bố tôi đứng bên ngoài cửa kính khóc to không kém, hai tay đập cửa kính đòi con, đến lúc lớn tôi mới hiểu tại sao khi ấy ông không thể vào cứu tôi.

Xin lỗi bạn đọc bởi sự dẫn dắt bài viết có phần dài dòng. Tôi luôn tin vào bản năng che chở cho con của mọi người cha, nhất khi chứng kiến sự đau ốm tình thế của đứa trẻ. Vì đã gọi là bản năng nên khó bàn đến chuyện đạo đức, 2 phần ấy trong một con người sẽ du di tiến lùi, nếu phần bản năng thắng thế, mọi người cha điềm đạm đều có thể phút chốc hung hãn. Một dạng biến thể tâm lý khi bất lực.

img

Chăm sóc bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi trung ương.

Bản tin ngắn trên báo điện tử mới đây có đoạn, đôi vợ chồng đưa con trai nhỏ vào khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) lúc 4h sáng 28.5 trong tình trạng sốt cao khoảng 39 độ C. Được biết bác sĩ đánh giá bệnh nhi sốt cao nhưng tỉnh táo, không có nguy hiểm. Em nhỏ đã được uống thuốc hạ sốt trước đó nên bác sĩ đề nghị tiếp tục theo dõi bé và yêu cầu người nhà mua phiếu khám để làm thủ tục khám bệnh.

 Thật bất ngờ sau đó người cha của bệnh nhi lao vào tấn công nhiều y bác sĩ nữ trong ca trực, một nam bác sĩ can ngăn nhưng cũng bị hành hung thương tích. “Con tao sốt thế này mà chúng mày không xử lý”, đó là trích đoạn một câu thét trong cơn giận dữ của người cha vừa đuổi đánh vừa hét lên như vậy.

Bất luận thế nào thì hành vi đó là quá sai, vượt qua mọi giới hạn đạo đức không thể bao biện. Nhưng, xin phép tôi được dùng chữ nhưng với cá nhân tôi, người kể dài dòng 2 mẩu ký ức phía trên, tôi có một phần cảm thông với người đàn ông xa lạ đó ở góc nhìn của mình.

Xã hội thời bần hàn bao cấp ngày cũ và xông xênh dư thừa vật chất hôm nay có gì khác chăng? Có, đó là niềm tin. Ở cái thời người ta so đo giàu sang là hơn nhau cái phích nước nóng, cái bàn là, bộ bàn ghế gỗ hay con búp bê lật đật từ Liên Xô… thì lòng tin và sự rưng rưng kính trọng với bác sĩ  hiện hữu trên từng khóe mắt người bệnh lẫn thân nhân.

Nghề y chưa bao giờ dừng vất vả, những con người làn cái nghề cao quí ấy hi sinh hàng chục năm để học, thực tập mùa qua mùa, đêm qua đêm để được có cơ hội đứng bên giường bệnh. Để được làm những việc thiện tâm đã được gọi bằng hình ảnh "thiên thần áo trắng", cuống cuồng đưa người ta từ cõi chết trở về hoặc ân cần nắm chặt tay trước khi họ ra đi.

 Để đào tạo được một “thợ viết” như tôi chỉ cần vài tháng, để có một bác sĩ cứu người cần hàng chục năm. Một bài báo có thể làm hại bác sĩ, mất nghề, mất thi đua, ví dụ rất nhiều và họ vẫn kiên cường đứng đó trong những phòng cấp cứu bên những cái đầu nóng. Nếu bạn đọc rảnh có thể tìm kiếm cụm từ “hành hung bác sĩ” trên trang tìm kiếm Google, tôi tin bạn sẽ sởn gai ốc khi chứng kiến những pha bạo lực với những con người đáng kính đó.

Sự xô bồ của đời sống, không phải tất cả nhưng dùng theo ngôn ngữ báo chí an toàn hay dùng gọi là “một bộ phận không nhỏ y bác sĩ, y tá, điều dưỡng" bởi đằng sau lưng hai chữ mưu sinh nặng như bao xi-măng mà đôi lúc làm con người ta chểnh mảng nghề bằng thoăn thoắt cửa miệng hách dịch, phong bì chỉ cũng là một góc trong bóng tối. Những điều đó tạo nên một tâm lý “xin-cho-ban ơn” nhan nhản như ngã tư đèn xanh đèn đỏ ngoài phố.

Xã hội mặc định khoác lên vai những tấm áo trắng đó phải trong sáng, thương người như từ mẫu và hàng loạt khẩu hiệu cao sang khác, nhân dân không muốn họ hư hỏng và sự thật thì luôn cay đắng. Nếu có một cuộc khảo sát sòng phẳng về lòng tin của người dân với ngành y, tôi tin con số tỷ lệ % tín nhiệm đó sẽ rất đáng suy nghĩ.

Không ai nghĩ một tờ giấy gập tư mang tên “phong bì” có thể tai hại đến vậy. Tôi bỗng muốn thở dài. Thương.