Sở hữu sân sen cung đình tuyệt đẹp đang "làm mưa làm gió" trong cộng đồng những người yêu hoa và cây cảnh, anh Tạ Hồng Điệp (thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Nội, hiện đang công tác tại văn phòng huyện ủy) cho biết ngoài giờ làm thì thú vui duy nhất của anh là “chơi” với cây, hoa, đặc biệt là chăm các chậu sen cung đình mà mình tâm huyết.
Anh Điệp tiết lộ: “Từ nhỏ, tôi đã thích sen nhưng nghĩ sen chỉ trồng được ở ao, hồ mà nhà mình không có hồ, ao thì chịu chết. Nhưng tình cờ, cách đây 5 năm tôi gặp một người bạn và được chia sẻ bí quyết trồng sen trong chậu. Nghe là mê luôn, thế là tôi bắt tay vào thực hiện ước mơ…ngắm sen ngay trước cửa nhà”.
Anh Điệp bên những chậu sen tuyệt đẹp trong khuôn viên nhà
Từ một nhánh sen nhỏ giống cung đình, anh Điệp đã ươm trồng được mấy chục chậu sen. Tất cả lu, chum, vại, chậu cây bonsai… đều được anh tận dụng trồng sen rất hiệu quả và tạo phong cách lạ. Khuôn viên rộng gần 1.000 m2 của nhà anh Điệp sau 5 năm đã phủ kín hoa sen. Những chậu sen đẹp nhất được anh đưa vào cạnh thềm ngay trước bàn uống nước để khách đến nhà có thể vừa uống trà vừa ngắm sen.
Giống sen cung đình bông to nhiều cánh và có màu hồng phớt rất bắt mắt.
Cũng theo anh Điệp, trồng sen có mùa vụ, chăm cả năm nhưng chỉ được “thu hoạch” trong vòng có 1 – 2 tháng. Vì vậy, thời điểm này chính là lúc khuôn viên nhà anh rực rỡ nhất và đẹp nhất trong năm.
Chia sẻ bí quyết trồng sen, anh Điệp cho biết: “Quan trọng nhất là phải có giống sen tốt. Tốt nhất là xin được giống bằng chồi sen, đó là 1 đoạn thân ngầm và có 1 vài chiếc lá.Trồng sen chậu vất vả nhất là khâu lấy bùn. Bùn trồng sen tốt nhất là được lấy ở mặt ruộng lúa, vì sẽ có độ dẻo vừa phải và không bị lẫn tạp chất như rác và các chất hữu cơ đang phân hủy. Sen rất sợ bẩn. Sau khi tìm được chậu phù hợp (có chiều sâu và miệng rộng một chút), ta cho bùn vào sao cho đủ để củ và thân mầm bám rễ chặt và có điều kiện phát triển, hấp thụ dinh dưỡng.
Chậu cảnh, lu, vại được anh Điệp tận dụng để trồng sen rất hiệu quả
Sen được trồng ngoài vườn rau, trong sân và trên bậc cửa ra vào
Chia sẻ thêm về kỹ thuật trồng sen, anh Điệp cho biết: Nước trong chậu phải luôn duy trì đủ ít nhất phải cao hơn mặt bùn khoảng 5cm trở lên. Khi cho bùn vào chậu nên bón thêm 1 ít phân vi sinh dạng bột có hàm lượng NPK vừa phải. Cho nước và bóp nhuyễn bùn, san phẳng mặt bùn và phơi nắng 1 – 3 ngày cho nước trong. Tốt nhất là nên thả 1 ít rong đuôi chó để làm sạch nước. Khi nước trong và rong phát triển bình thuờng thì cấy sen vào chậu”.
Chủ nhân sân sen tuyệt đẹp cùng vợ ngắm sen, hưởng trà, coi đó là thú vui tao nhã sau những giờ lao động mệt nhọc.
Theo anh Điệp, kỹ thuật cấy sen cũng rất quan trọng. Củ và thân ngầm dúi ngập trong bùn và lá để nổi lên mặt nước. Hàng ngày phải theo dõi sự phát triển của sen. Nếu thấy sâu bệnh phải phun thuốc ngay. Khi có nước đọng trên lá thì phải thổi đi, nếu không nước sẽ làm thối lá.
Không chỉ làm đẹp khuôn viên của ngôi nhà, sân sen còn tỏa ra mùi thơm dịu nhẹ, ngan ngát dễ chiu, nhất là vào buổi tối.
Sen ưa nắng, vì vậy phải để chậu sen ở nơi nhiều nắng nhất. Trong quá trình chăm sóc nếu lá vàng, yếu thì phải bổ sung phân bón. Nếu lá quá tốt sẽ làm chậm ra hoa, phải bổ sung kali bằng tro bếp. Thời vụ trồng sen ở miền Bắc là khoảng giữa xuân đến cuối xuân, sau khi ngủ đông sen sẽ bắt đầu nhú mầm.
>> XEM THÊM: Bí quyết tự trồng hoa sen mini tại gia cực dễ