Dân Việt

Mỹ phát triển siêu tên lửa diệt mục tiêu từ ngoài khí quyển

Minh Anh 30/05/2016 18:00 GMT+7
Mỹ và Nhật Bản hiện đang hợp tác phát triển một biến thể mới của tên lửa đánh chặn SM-3 có khả năng tiêu diệt được mục tiêu ngay từ ngoài khí quyển.

Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) cho biết, tên lửa SM-3IIA mới sẽ nằm trong hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ ở châu Âu, bao gồm cơ sở mới thành lập ở Romania và chuẩn bị là một cơ sở khác tại Ba Lan vào năm 2018. Các tên lửa SM-3 có thể được khai hỏa từ các hệ thống trên đất liền hoặc tàu chiến trên biển và có khả năng phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ở giữa đường bay với độ cao ngoài khí quyển.

SM-3IIA có chiều dài 6,55m, sải cánh 1,53m và sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn. Nhà thầu quân sự Raytheon cho biết, SM-3IIA được xây dựng dựa trên biến thể nhỏ hơn là SM-3IB và có khả năng dò tìm mục tiêu tốt hơn.

Tên lửa SM-3IIA có tầm bắn 2.500km và tầm cao tiêu diệt mục tiêu 1.500km, tức là gấp 3 lần phiên bản SM-3IA/B có tầm phóng vào khoảng 700 km, độ cao đánh chặn 500km. Nó có thể đạt vận tốc tối đa 5,6 km/s, nhanh gấp 15 lần tốc độ âm thanh.

img

Tên lửa SM-3IIA có tầm cao đánh chặn lên tới 1.500km

Do là  tên lửa 4 tầng nên SM-3IIA sẽ có 3 lần tách đẩy kể từ khi được phóng đi. Khi mới khai hỏa bằng hệ thống phóng Aegis trên biển hoặc trên bộ, SM-3IIA sẽ dùng động cơ nhiên liệu rắn MK-72 và hệ thống định vị bằng quán tính. Khi sử dụng hết nhiên liệu, tên lửa sẽ tách tầng MK-72 và kích hoạt động cơ tăng tốc hành trình 2 chế độ MK-104. Đây là thời điểm tên lửa dẫn đường bằng radar Aegis SPY-1 bố trí dưới mặt đất hoặc trên tàu phóng.

Sau khi bay hết nhiên liệu, MK-104 tiếp tục tách tầng và kích hoạt động cơ MK-136. MK-136 sẽ đẩy tên lửa ra ngoài khí quyển trái đất và tiếp tục tách nốt lần cuối để cho đầu đạn đi vào trạng thái tự dẫn tới mục tiêu. Đầu đạn của SM-3IIA không chứa thuốc nổ mà sử dụng sức tốc độ cao để va chạm trực tiếp nhằm tiêu diệt tên lửa mục tiêu.

img

Một tên lửa SM-3IIA  bao gồm 4 tầng và đều sử dụng động cơ nhiên liệu rắn

SM-3IIA đã thực hiện thành công 2 bài thử nghiệm bay nhưng chưa tập đánh chặn bất kì loại tên lửa nào. Cuộc thử nghiệm đánh chặn tên lửa đầu tiên được lên kế hoạch diễn ra vào cuối năm nay trong đó  SM-3IIA có nhiệm vụ tiêu diệt một tên lửa đạn đạo tầm trung ở môi trường ngoài khí quyển. Raytheon sẽ đánh giá khả năng dò tìm mục tiêu và sức công phá của đầu đạn.

Quá trình sản xuất tên lửa SM-3IIA nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa công ty Raytheon (Mỹ) và chính phủ Nhật Bản với giá trị khoảng 2 tỉ USD, trong đó mỗi bên chi trả một nửa.  

Nhật Bản và Mỹ có kế hoạch hoàn thành việc phát triển tên lửa đánh chặn SM-3IIA vào mùa xuân năm 2017. Mỹ sẽ trang bị các tên lửa này lên các hệ thống đánh chặn Aegis của tàu tuần dương lớp Ticonderoga, tàu khu trục lớp Arleigh Burke và lớp Zumwalt, còn Nhật Bản sẽ sử dụng tên lửa này trên các tàu khu trục lớp Atago và các tàu thế hệ mới khác.