Hệ số CAR đang là nỗi lo của nhiều ngân hàng (ảnh minh họa)
Thực tế, với tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian qua, tổng tài sản của các ngân hàng tăng lên nhanh chóng khiến hệ số CAR sụt giảm mạnh.
Tại BIDV, hệ số CAR của ngân hàng này đang ở mức tối thiểu 9% (mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 9%). Với hệ số CAR “sát nút” như hiện nay, BIDV phải đẩy nhanh nhiều chiến lược bổ sung hệ số CAR như: bán cổ phần cho đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài hoặc phát hành thêm cổ phiếu.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP BIDV, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép BIDV để lại cổ tức, thặng dư cho chuyển nhượng phần sở hữu của Nhà nước, thặng dư từ các khoản thoái vốn đầu tư làm nguồn tăng vốn cho ngân hàng.
Tuy nhiên, kiến nghị của BIDV đã bị bác bỏ khi Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu ngân hàng này trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt vào ngân sách Nhà nước.
Được biết, liên tiếp ba năm nay, BIDV xin phép không chia cổ tức bằng tiền để tăng vốn, nhưng không được chấp thuận.
Tương tự, hệ số CAR của ngân hàng Vietinbank tính đến cuối năm 2015 là 10,3%%. Nếu Basel II được áp dụng, hệ số CAR của Vietinbank có thể giảm 1%. Tại Đại hội cổ đông vào cuối tháng 4.2016, Vietinbank đã đề xuất phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu để cải thiện hệ số CAR. Đồng thời, với số vốn chủ sở hữu tăng thêm nhờ thương vụ sáp nhập PGBank (dự kiến hoàn thành quý II/2016), Vietinbank tin tưởng hệ số CAR sẽ được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng bác bỏ kiến nghị trả cổ tức bằng cổ phiếu của Vietinbank.
Chưa kể, việc Ngân hàng nhà nước (NHNN) sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng nâng cao tỷ lệ rủi ro mới đối với cho vay bất động sản lên 200%, thì hệ số CAR có thể giảm thêm 0,5-0,6%. Như vậy, nếu không khẩn trương tăng vốn chủ sở hữu, hệ số CAR của Vietinbank sẽ có nguy cơ bị tụt xuống dưới mức tối thiểu.
Thực tế, không chỉ BIDV, Vietinbank, mà “ông lớn” Vietcombank cũng đang đứng trước yêu cầu phải "bồi đắp" hệ số CAR. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Vietcombank cho hay, cuối năm 2015, hệ số CAR của Vietcombank xấp xỉ 11%. Cuối năm nay, CAR của Vietcombank sẽ chỉ ở mức 9%.
“Nếu Basel II chính thức được áp dụng, hệ số CAR tại Vietcombank sẽ giảm nhanh chóng, chỉ còn khoảng 7%, tức không đạt được yêu cầu tối thiểu”, ông Thành lo lắng.
Trong khi đó, một đại diện của NHNN chi nhánh tại TP.HCM cho biết, nhiều ngân hàng hiện đang ráo riết thực hiện các tiêu chuẩn cao hơn của Basel II. Bởi, nếu dựa vào năng lực các ngân hàng hiện tại được tính theo bộ tiêu chuẩn này mà không có bồi đắp thêm vốn tự có, CAR sẽ rơi xuống dưới 9%, thậm chí xuống rất sâu...
Cũng theo đại diện này lý giải, tỷ lệ an toàn vốn là yêu cầu phải đảm bảo của mỗi ngân hàng để… an toàn. Trong đó, quan trọng nhất là vốn tự có để quyết định mức độ có thể mở rộng quy mô tổng tài sản, giám sát chất lượng tài sản. Đồng thời, chỉ số CAR còn là áp lực cạnh tranh không ngừng giữa các thành viên, vì trong đó có hai cốt lõi thị phần cho vay và huy động. Nếu CAR không đảm bảo yêu cầu, thì càng hạn chế kinh doanh và tăng trưởng.
Thực tế, CAR mà kém hoặc nằm dưới ngưỡng quy định thì thực sự đáng sợ bởi các chế tài, luật định trong xử lý. Cụ thể, Luật các tổ chức tín dụng đã quy định rõ: Trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đạt hoặc có khả năng không đạt CAR theo quy định, Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc hạn chế phạm vi hoạt động, xử lý tài sản của tổ chức tín dụng, nhằm bảo đảm để tổ chức tín dụng đó đạt CAR tối thiểu. “Nếu không đảm bảo, ít nhất hoạt động kinh doanh không những bị hạn chế mà còn bị giám sát ngặt nghèo hơn, không loại trừ là cả kiểm soát đặc biệt”, vị đại diện NHNN nói. |