Dân Việt

Khi nào tuyến buýt nhanh Hà Nội đi vào hoạt động?

Nguyễn Đức 31/05/2016 18:17 GMT+7
Ban Quản lý Dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội đã hoàn thành hệ thống 21 nhà chờ tuyến xe buýt nhanh (BRT), tuyến Kim Mã – Yên Nghĩa.

img

 Nhà chờ của tuyến xe buýt nhanh Hà Nội đang được hoàn thiện

Ngày 31/5, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức buổi họp báo thường kỳ. Tại cuộc họp, ông Hà Huy Quang, Phó Giám Đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, đến nay, đã thi công xong 21 nhà chờ của tuyến xe buýt nhanh (BRT), tuyến Kim Mã- Yên Nghĩa; hoàn thành 4 cầu vượt tiếp cận nhà chờ; lắp đặt xong thiết bị tại khu depot…

Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội đang tiếp tục cải tạo, mở rộng đường đoạn từ Ba La đến Bến xe Yên Nghĩa; xây dựng bổ sung 4 cầu đi bộ tại các nhà chờ; triển khai gói thầu mua sắm thiết bị thẻ vé, đoàn xe...

“Dự kiến đến cuối năm 2016 chúng tôi sẽ đưa vào hoạt động tuyến xe buýt nhanh. Loại hình xe buýt nhanh sẽ là phương tiện chủ lực trong tương lại, giải quyết vấn đề vận tải công cộng”, ông Quang thông tin.

Theo ông Quang, đây là loại hình giao thông mới, do vậy, đơn vị thi công gặp khó khăn về đường ưu tiên và vấn đề sắp xếp giao thông. Hiện Sở GTVT đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan bàn bạc tìm ra giải pháp tốt nhất.

img

Ông Hà Huy Quang, Phó Giám Đốc Sở GTVT Hà Nội

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay, so với xe buýt đang lưu hành hiện nay thì hệ thống xe buýt nhanh sẽ có những tiện ích nổi trội như: nhà chờ khép kín với quạt mát; sàn nhà chờ xe buýt cao ngang bằng lối lên xe buýt tạo điều kiện cho người dân dễ dàng lên, xuống xe, nhất là người khuyết tật; hệ thống cửa trượt tự động.

Trong nhà chờ sẽ có các bảng thông tin về tuyến, hành trình xe, các màn hình cung cấp những thông tin cần thiết cho hành khách. Khi đi xe buýt nhanh, hành khách sẽ sử dụng hệ thống vé điện tử tự động có máy quẹt thẻ. Trên xe buýt nhanh được gắn thiết bị định vị để kết nối với trung tâm điều hành giao thông nhằm cập nhật, giải quyết sự cố phát sinh…

Tổng chiều dài của cả lộ trình khoảng 14,7km, chiều rộng mặt đường dành riêng cho loại hình này là khoảng 3,75m và 21 nhà chờ xe buýt nằm trên dải phân cách giữa đường. Vận tốc xe buýt nhanh dự kiến sẽ đạt tốc độ khoảng 22-25km/h.

Dự án xe buýt nhanh  (BRT) là một hợp phần nằm trong dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, được khởi công từ năm 2013. Tổng mức đầu tư là hơn 55 triệu USD (tương đương hơn 1.000 tỉ đồng), sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới.

Dự án xe buýt nhanh Hà Nội được xây dựng theo lộ trình chiều đi: Bến xe Kim Mã - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương – Tố Hữu - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - quốc lộ 6 - Bến xe Yên Nghĩa; chiều về: Bến xe Yên Nghĩa - quốc lộ 6 - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Giang Văn Minh - Kim Mã - Bến xe Kim Mã.