Duyên nợ với các vũ điệu cổ
Chúng tôi tìm đến bản Diom A xa xôi, cách trung tâm TP.Đà Lạt hàng chục cây số để được tận mắt ngắm nghệ nhân Tou Neh Ma Bio biểu diễn vũ điệu cổ Tamya Ariya của dân tộc Chu Ru. Đây là điệu dân vũ có vai trò, ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa cộng đồng của người Chu Ru. Theo bà Ma Bio, người Chu Ru có nhiều điệu dân vũ như Tamya Ariya, Dam dra, T’rum pô, Pawh gơnăng, nhưng chỉ có điệu Tamya Ariya là được lưu giữ, phát triển đến chuẩn mực với động tác múa nhẹ nhàng, quyến rũ, tính cộng đồng cao.
Bà Ma Bio biểu diễn Tit Lơu Dra với khèn bầu.Ảnh: Ngô Xuân
Bà Ma Bio bảo: “Muốn thấm được cái hồn của vũ điệu Chu Ru phải lên núi thiêng K’ Lơl, ra dòng suối khóc Đa Nhim huyền thoại hoặc đến thác nước kêu ở bản K’Băm. Đội diễn phải có đầy đủ người cũng như dụng cụ trình diễn…”. Nói rồi, bà Ma Bio cầm ra chiếc khèn bầu, hòa cùng giọng hát trầm ấm với điệu Tit Lơu Dra (Cô gái nhỏ) cho chúng tôi nghe...
Là con gái út trong một gia đình có 6 anh chị em, vì sống độc thân nên bà Ma Bio được chọn tiếp quản các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình bằng bộ chiêng cổ và vũ điệu Tamya Ariya. Hiện nay, ngoài bảo tồn, giữ gìn điệu múa cổ, bà Ma Bio còn cùng các cán bộ văn hóa, trưởng bản, già làng sưu tập, sáng tác các vũ điệu mới như: Vũ điệu Tit Lơu Dra , Yuơ Ađêi Drao Tũng (Em bé bụng to)...
Truyền lửa cho thế hệ trẻ
Hơn 10 năm đóng góp vào việc bảo tồn văn hóa dân tộc Chu Ru, hiện bà Tou Neh Ma Bio vẫn nuôi đội cồng chiêng và cùng đội đi biểu diễn khắp nơi. Bà Ma Bio cho biết đã bảo tồn được 10 bài hát dân gian Chu Ru, bản thân bà cùng các nhà làm văn hóa địa phương đã sưu tầm được 3 bài (thể hiện trên chữ viết, hát và múa). Năm 2007, bà được công nhận là nghệ nhân văn hóa của tỉnh Lâm Đồng. |
Mong muốn tiếp nối các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc và không để các giá trị này bị mai một, năm 2007, bà Ma Bio đã mở lớp dạy múa, đánh cồng chiêng cho 10 em trong làng, dần dần tăng thêm 28 em, tính đến nay bà đã dạy cho hơn 70 em (đều ở độ tuổi 15 – 16 tuổi, một số em 3 – 4 tuổi) và thành lập một đội cồng chiêng khoảng 15 người để đi biểu diễn tại các lễ hội, cuộc thi trong và ngoài tỉnh.
Bà Ma Bio chia sẻ: “Nhờ sự tiếp sức kịp thời của ngành văn hóa địa phương đầu tư mua sắm trang phục biểu diễn, tôi còn tài trợ 2 bữa ăn/ngày và mua sắm một số quần áo diễn cho thêm phong phú. Mỗi khóa học khoảng 20 đêm, mỗi đêm học 2 giờ nhưng thường kéo dài đến tận khuya, bởi khi đôi chân đã nhảy múa, bàn tay hòa nhịp thì không muốn dừng lại”.
Trong số các học viên được bà Ma Bio đào tạo, bà ấn tượng và tự hào nhất là cháu gái Touneh Ma Ry (5 tuổi). Trước đó, khi mới chỉ 3 tuổi Ma Ry đã được giới thiệu biểu diễn vũ điệu Tamya - Ariya trên sóng truyền hình VTV2. Ngoài Ma Ry, 100% học viên đã được bà truyền lửa âm nhạc cổ dân tộc, đều múa rất đẹp, hát hay đồng thời đánh chiêng cũng như thổi khèn bầu rất thành thạo./.