Về xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), hỏi thăm ông Tư Nô, ai cũng biết bởi ông được ví là người “giữ hồn” thương hiệu trà Phú Hội nổi tiếng ở xứ này. Lý do thật đơn giản: Ông vẫn giữ nguyên lối chế biến trà thủ công được truyền nghề từ thời ông nội, không chấp nhận chế biến bằng máy sấy, máy vò.
“Trà Phú Hội phải phơi qua nắng tự nhiên, vò qua bằng tay mới giữ được sự thanh mát của lá trà. Còn dùng máy sấy, máy vò uống vào sẽ nóng cho cơ thể, hương vị vì thế cũng sẽ thay đổi…” - ông Tư Nô tâm sự.
Ông Trà Văn Pháp (Tư Nô) bên gốc trà trăm tuổi do tổ tiên để lại. Ảnh: Q.H
Nếu có ai nói tôi gàn, tôi dở khi vẫn giữ cách chế biến truyền thống tôi cũng chịu vì có chế biến theo cách này mới giữ được hương vị đặc trưng riêng của lá trà bản xứ. Tôi chỉ lo lắng hai vợ chồng đều đã già, 3 con đều thành đạt và đi xa lập nghiệp, chẳng biết sau này những gốc trà cổ mà tổ tiên để lại có còn giữ được hay không…”. Ông Tư Nô |
Không dưng mà thành đặc sản
Rót ly trà Phú Hội đỏ nâu nghi ngút khói vào ly mời khách, ông Tư Nô chậm rãi kể về cây trà Phú Hội nổi tiếng của làng quê ông: “Cụ nội tôi từ thuở khai hoang, lập ấp, ở đây đã có cây trà rồi. Thậm chí, cách đây gần 100 năm, diện tích trà trong vùng lên đến hàng trăm ha và là cây chủ lực nuôi sống người dân làm nên thương hiệu trà Phú Hội nổi tiếng. Khi đó, sản phẩm làm ra đều được mang lên Biên Hòa, Chợ Lớn tiêu thụ. Còn bây giờ diện tích trà đã bị thay thế bằng những vườn trái cây như sầu riêng, chôm chôm, dâu da… chỉ còn một số hộ trồng xen trà dưới những tán cây ăn trái, trồng làm hàng rào để hái lá dùng trong sinh hoạt hàng ngày; cũng có hộ trồng tập trung, nhưng diện tích không lớn và giống trà lấy từ vùng Lâm Đồng (tỉnh Lâm Đồng), Tâm An (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) do sản lượng cao hơn rất nhiều so với giống trà bản xứ”.
Nói rồi, ông Tư Nô nhấc tách trà lên miệng, cười tủm tỉm hỏi: “Mấy cậu uống trà này, so với trà vùng khác thấy sao?”. Quả thật, nếu chỉ nhìn vào màu nước, trà Phú Hội có vẻ không đẹp, không xanh ngắt như màu trà Ô Long, nhưng khi đưa lên miệng, mùi thơm của trà thoang thoảng như hương đồng cỏ nội, vị của trà ngọt thanh, ngất ngây. Thấy chúng tôi gật gù, ông Tư Nô cười, giọng tự hào: “Trà Phú Hội có nét đặc trưng riêng, vậy mới trở thành đặc sản nức tiếng xa gần. Hơn nữa, trà các cậu đang uống đều từ những gốc trà trăm tuổi cả…”.
Rồi ông kể về nguồn gốc những cây trà trăm tuổi trong vườn nhà, rằng ông cũng chẳng biết chính xác tuổi thọ của những gốc trà trong vườn. Chỉ biết đến nay đã hơn 100 năm vì đây đều là những gốc trà do chính tay cụ nội của ông trồng. Ngày ấy, vườn trước, vườn sau của ngôi nhà cổ ông đang ở đều trồng trà và đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình ông. Sau này, trà các nơi đổ về với giá rất rẻ khiến trà Phú Hội cũng giảm giá theo. Không sống được với nghề trồng trà, nhiều hộ trong xã đã chặt gần hết vườn trà để chuyển sang trồng cây ăn trái cho thu nhập cao hơn. Riêng gia đình ông vẫn cố gắng giữ lại vườn trà. “Hiện vườn nhà còn khoảng hơn 300 gốc trà nhưng có lẽ do đặc điểm của giống trà và tuổi đời trên trăm năm, sản lượng hiện nay rất ít. 2 tuần mới hái và chế biến được khoảng 3 đến 5kg trà khô…” - ông Tư Nô nói.
Trải qua nhiều thăng trầm, cây trà Phú Hội được người tiêu dùng quay lại chọn lựa và coi như đặc sản quý, sẵn sàng trả hàng trăm ngàn đồng để mua 1kg trà Phú Hội. Ông Tư Nô chia sẻ: “Khoảng 5 năm trở lại đây, trà Phú Hội trở thành đặc sản được nhiều người dân tại TP.HCM và các vùng lân cận đặt mua với giá hàng trăm ngàn đồng/kg. Vào dịp tết, nhu cầu nhiều mà nguồn hàng ít, giá có khi tăng gấp đôi cũng không có hàng để bán. Riêng loại trà “trăm năm tuổi” của gia đình tôi, người mua phải đến tận nhà và đặt trước vài tháng mới có hàng, vì bình thường tôi hay “trữ hàng” để gửi sang Australia, Mỹ, vì nhiều khách hàng uống trà do gia đình tôi chế biến hàng chục năm nay”.
Hiện nay, dù vườn trà của gia đình ông Tư Nô không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng ông vẫn là người còn giữ lại vườn trà lâu năm với diện tích lớn nhất ở Phú Hội. Vì vậy, đây cũng là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh khi du lịch tại huyện Nhơn Trạch muốn tìm hiểu về truyền thống thương hiệu trà Phú Hội, nhất là muốn “mục sở thị” vườn trà cổ với tuổi đời hơn 100 năm lớn nhất ở vùng này.
Nhớ mãi hương vị trà xưa…
Chốc chốc lại nhấc ly trà thấm giọng, ông Tư Nô bảo uống trà cả đời rồi, bây giờ uống nước lọc cứ thấy nhạt nhẽo. Bây giờ cứ đến vụ trà, ông bà lại cùng nhau ra vườn hái từng đọt trà, sau đó mang về sân nhà phơi qua một chút nắng cho héo rồi bà vò bằng tay, xong đem phơi cho khô hẳn rồi mới bỏ vào túi nylon đóng kín lại.
Bất chợt, ông quay sang hỏi: “Mấy cậu biết làm sao để trà Phú Hội uống ngon nhất không?”. Thấy chúng tôi lắc đầu, ông Tư Nô khẽ ngâm nga: “Nước Mạch Bà, trà Phú Hội, chuối già Long Tân, gạo thơm Phước Khánh, tôm càng Phước Nguyên…”. Rồi ông lý giải, tất cả những đặc sản trên đều nức tiếng một thời ở vùng đất Nhơn Trạch. Điều đặc biệt hơn, các đặc sản này đều nằm “cặp kè” với đất và người Phú Hội, bởi có thể chính nguồn nước Mạch Bà - nguồn nước ngầm chảy qua địa bàn xã Phú Hội đã góp phần làm nên hương vị đặc trưng của các loại đặc sản này.
“Ngày xưa khi chảy qua Phú Hội, hệ thống nước Mạch Bà còn có những đoạn lộ thiên phun trào, trong vắt và mát. Người dân trong vùng thường tới đây tắm giặt, gánh nước về uống và pha trà. Trà Phú Hội phải được pha với nước Mạch Bà mới ngon và tạo nên nét đặc sắc của trà Phú Hội. Thiếu nước Mạch Bà, trà như giảm mất một phần vị ngon” -ông Tư Nô nói.
Bây giờ thì chẳng còn gì ngoài trà Phú Hội, nhưng cũng chẳng biết còn giữ được bao lâu vì tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, diện tích trồng trà cũng dần bị thu hẹp. Còn nguồn nước Mạch Bà cũng ngày càng ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến sự “thưởng trà” trên chính mảnh đất này.
Không sống được với nghề trồng trà, nhiều hộ trong xã đã chặt gần hết vườn trà để chuyển sang trồng cây ăn trái cho thu nhập cao hơn. Riêng gia đình ông Tư Nô vẫn cố gắng giữ lại vườn trà.