Nạn nhân bị đổ lỗi cho việc bị hại
Sự việc ba cô gái lần lượt bị một thanh niên giả danh “thiếu gia” hiếp dâm trên xe ô tô rồi tung ảnh “nóng” lên mạng xã hội đã khiến dư luận xôn xao nhiều ngày qua.
Thanh niên 27 tuổi có hành vi hiếp dâm ba cô gái trên xe ô tô
Theo đó, thanh niên có tên Hùng Sơn (27 tuổi, Đà Nẵng) đã bị công an quận Sơn Trà (Đà Nẵng) bắt tạm giam vào ngày 25/5 vì hành vi hiếp hâm. Trong cả ba lần thực hiện hành vi đồi bại, thanh niên 27 tuổi đều thực hiện duy nhất một chiêu trò, đó là, lập nick name “Mountain”, tự xưng là hướng dẫn viên, thường xuyên đăng tải các bức hình ăn chơi, trong đó cố tình để lộ chiếc xe sang để dụ dỗ các cô gái.
Khi đã thân thiết, Sơn lần lượt rủ các cô gái đi ăn tối, sau đó lái xe chở lên núi Sơn Trà ngắm cảnh thành phố về đêm. Tại đây, đối tượng chốt cửa xe, dùng roi điện khống chế và hiếp dâm.
Thanh niên này còn chụp ảnh khỏa thân các cô gái rồi đăng lên mạng xã hội khoe “chiến tích”. Sau đó không lâu, một nạn nhân đã đến cơ quan công an trình báo và thanh niên 27 tuổi ngay lập tức được “mời” về làm việc.
Hành vi đồi bại của Hùng Sơn đã “gây sóng” dư luận. Rất nhiều người tỏ ra phẫn nộ trước sự tha hóa đạo đức của thanh niên 27 tuổi bởi hành vi hiếp dâm này là có chủ đích và kịch bản rõ ràng.
Các cô gái bị đổ lỗi dù họ là nạn nhân của hành vi hiếp dâm (ảnh minh họa)
Tuy vậy, lại có luồng ý kiến rất "lạ lùng" rằng, các cô gái ham vật chất, dễ dãi, quen nhanh, yêu vội nên mới rơi vào bẫy của "yêu râu xanh".
Đi kèm với những ý kiến đồng cảm, thương xót cho nạn nhân là những bình luận chỉ trích họ ngu ngốc và dễ dãi trong tình cảm. Nhiều người còn lên án các cô gái ham vật chất nên mới sẵn sàng đồng ý đi ăn tối, cùng đến nơi vắng vẻ để ngắm cảnh thành phố về đêm với thanh niên này dù chỉ quen nhau qua mạng xã hội.
Nạn nhân của nhiều vụ hiếp dâm khác cũng bị đổ lỗi tương tự. Rằng chính họ đã “góp phần” biến mình trở thành nạn nhân vì ăn mặc hở hang, thích đi chơi về muộn, mạo hiểm đi qua những cung đường vắng vẻ, ham giàu, ham vật chất…
Liệu trong những trường hợp này, việc đổ lỗi cho nạn nhân có thực sự công bằng?
"Phải lên án người gây ra tội ác trước tiên"
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Csaga (Trung tâm nghiên cứu về gi người đã có nhiều năm làm việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em bị bạo lực để trao đổi thêm về vấn đề này:
Bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm Csaga
Liệu có công bằng khi cho rằng, các cô gái đã tự “góp phần” biến mình trở thành nạn nhân của tội ác hiếp dâm chỉ vì họ ăn mặc hở hang, ham vật chất thưa bà?
Không thể nói tôi lấy trộm đồ vì cái váy đó, cái đồng hồ đó quá đẹp và nó để quá hớ hênh khiến tôi không thể cầm lòng. Một người mẹ của một tội phạm đã từng nói: "Ai bảo đeo vàng, xách túi đắt tiền làm chi cho nó cướp?".
Khi chúng ta đổ lỗi cho các cô gái là nạn nhân của việc cưỡng hiếp là chúng ta đang dùng lý lẽ đó, bạn có đồng ý với điều đó không?
Bạn không được phép ăn cắp vì đó là vi phạm pháp luật. Phải khẳng định không được phép ăn cắp vì bất cứ lý do nào sau đó mới nói đến việc cần cảnh giác của người mất trộm.
Các cô gái đã bị đổ lỗi ngay cả khi chịu nỗi đau đớn quá lớn về thể xác và tinh thần. Theo bà, tại sao lại có ý kiến "lạ lùng" này?
Thói quen đổ lỗi cho nạn nhân bắt nguồn từ định kiến giới. Mọi người thường nói, đàn bà con gái thì phải thế này, phải thế kia… mà quên đi rằng, cần lên án và xử lý nghiêm minh người gây tội ác trước tiên.
Chúng ta thường xuyên lên án luật pháp thiếu nghiêm minh nhưng có khi chính mình góp phần tiếp tay cho sự thiếu nghiêm minh ấy bằng các định kiến giới.
Bà Vân Anh cho rằng, việc bị đổ lỗi cho các cô gái trong trường hợp này là do định kiến giới (ảnh minh họa)
"Không biết bảo vệ bản thân bị cưỡng bức là đáng đời", sự đổ lỗi này đem đến hậu quả gì ngoài việc làm tổn thương nạn nhân là các cô gái thưa bà?
Vì sự đổ lỗi này mà nhiều vụ án đã bị xuê xoa, không được xử vì nạn nhân xấu hổ không dám trình báo. Họ sợ bị chửi bới, kỳ thị, lên án. Điều đó sẽ khiến nhiều người trở thành nạn nhân tiếp theo vì thủ phạm vẫn còn đó.
Vậy dù không có lỗi trong việc trở thành nạn nhân của hành vi hiếp dâm nhưng liệu có nên thẳng thắn nhìn nhận, các cô gái đã quá thiếu kỹ năng sống nên mới rơi vào bẫy của “yêu dâu xanh”?
Nếu nói về các cô gái, thì cần phải nhìn thấy ở đây, các kỹ năng sống cơ bản họ chưa được ai trang bị. Họ là những cô gái trẻ. Nếu họ thiếu kiến thức thì mình không chỉ nhìn vào cá nhân ấy mà phải thấy nó là vấn đề của giáo dục gia đình và nhà trường.
Chúng ta đã coi nhẹ việc giáo dục kỹ năng sống trong gia đình, nhà trường và xã hội. Họ không hiểu được làm sao để đảm bảo an toàn cá nhân, làm sao để tránh cạm bẫy. Đương nhiên, ngay cả khi chúng ta đã cung cấp, trang bị rất tốt thì cũng vẫn còn có những trường hợp xấu nhưng nó sẽ không bị ém nhẹm và đương nhiên là sẽ giảm đi số các bạn trẻ bị lừa gạt.
Từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, theo bà, nên làm gì để giúp các nạn nhân sớm vượt qua cú sốc tinh thần này?
Nhiều năm làm việc trong nghề, tôi đã gặp rất nhiều các trường hợp tương tự. Nạn nhân truớc tiên cần được động viên, an ủi để họ trình báo, kể ra câu chuyện của mình, rồi mới đến việc cung cấp cho họ thông tin tự bảo vệ mình thế nào.
Tôi nhấn mạnh chữ cung cấp thông tin nhé, chứ không phải dạy dỗ, mắng mỏ và khuyên răn. Sẽ không bao giờ có những từ như: “Đáng lẽ cháu phải…”, hay “Tại sao cháu không...". Họ - những cô gái hay người trẻ nói chung sẽ rút được bài học sau sự việc đau đớn này.
Nếu bạn đặt câu hỏi: “Cháu/ em/bạn rút ra bài học gì sau vụ này?”... tôi chắc họ tự trả lời được.
Còn nếu một ai đó bảo: “Này, cô phải biết ăn mặc hở hang và đi theo trai lạ thế là rất tệ, đáng đời biết không?” thì tôi nghĩ cô gái đó không rút đuợc kinh nghiệm nào đâu. Cô ấy và các cô khác sẽ giấu đi nhiều chi tiết để biện minh cho mình.
Cảm ơn những chia sẻ của bà!