Dân Việt

3 tháng nghỉ hè, giá trị của những cái đầu… trống rỗng

Nguyễn Thiêm 04/06/2016 06:00 GMT+7
Kỳ nghỉ hè của nhiều đứa trẻ bây giờ được gọi là những “kỳ nghỉ hè siêu tốc”.

Sở GD ĐT Đà Nẵng vừa chính thức yêu cầu tất cả các trường học trên địa bàn (trừ mẫu giáo) khai giảng năm học mới đúng ngày 5.9 để học sinh có trọn 3 tháng nghỉ hè không sách vở. Không những thế, trong 3 tháng hè này, tất cả các trường trên địa bàn sẽ mở cửa thư viện, tổ chức dạy bơi cho học sinh với giá “bèo” – chỉ...200.000 đồng/ 1 khóa.

Học sinh được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè lẽ ra phải là chuyện đương nhiên ngay từ khi ngành giáo dục cho ra đời cụm từ “nghỉ hè”. Đó là khoảng thời gian để học sinh được xả hơi sau 9 tháng vật lộn với kiến thức, sách vở. Cũng là khoảng thời gian giáo viên được nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình, tái tạo năng lượng cho các hoạt động giảng dạy vào năm học mới.

Tôi tin rằng, nhiều bậc cha mẹ thế hệ 7x, 8x có thể ngồi hàng giờ, say sưa kể về những mùa hè đầy kỷ niệm của mình mấy chục năm về trước. Đó là những ngày cùng lũ bạn chăn trâu đằm mình trên dòng sông cạn, cưỡi cây chuối tập bơi, đóng bè bằng...bèo tây để qua sông hái ớt. Là những ngày hè nóng nực vừa trông em, vừa lúi húi vào bếp nấu cơm. Những nồi cơm trộn lẫn cả khói và tro bếp nhưng đứa trẻ hỉ hả vì đã có “ngày công đầu tiên” được khen: nghỉ hè biết giúp đỡ bố mẹ...

img

Trẻ em cần có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa suốt 3 tháng hè.

Trẻ thành phố lại có những niềm vui rất khác. Đó là những ngày được tự do chơi cùng nhau trong sân khu tập thể cũ. Cùng lập đội đá bóng, chia phe đá cầu, tranh nhau đọc 1 cuốn truyện tranh, 1 tờ báo nhi đồng đã rách mất vài trang. Là những ngày háo hức được đến cung văn hóa học võ, múa, hát hay tham gia tập nghi thức đội, tập kịch, thi làm trại dịp Trung Thu...

Không phải qua bất kỳ một khóa học tốn kém nào, bọn trẻ tự “nạp” cho mình những kỹ năng sống vô cùng quý giá chỉ qua 3 tháng hè ngắn ngủi ấy: biết yêu thương, giúp đỡ bố mẹ, chia sẻ, quan hệ tốt với bạn bè... Sau 3 tháng hè, chúng háo hức trở lại trường gặp bạn bè cùng lớp, nhận sách vở mới, chuẩn bị quần áo mới cho ngày khai giảng. Tuy da đứa nào cũng đen nhẻm, tóc rối bù, nhưng ngược lại, chúng có cả một trái tim đầy ắp những niềm vui.

Tiếc thay, những ngày hè như thế, hiện chỉ còn trong hoài niệm của các bậc phụ huynh và là “chuyện lạ...từng có thật” đối với nhiều lứa học sinh bây giờ. Đáng buồn hơn, không ít những người đã từng tự hào vì có một “tuổi thơ dữ dội” lại đang “đánh cắp” tuổi thơ của chính con mình một cách vô thức.

Kỳ nghỉ hè của nhiều đứa trẻ bây giờ được gọi là những “kỳ nghỉ hè siêu tốc”. Thay bằng việc khai giảng năm học mới vào ngày 5.9 thì hầu hết học sinh đều kết thúc mùa hè vào đầu tháng 8 để bước vào 1 tháng học hè với sự “đồng thuận” của tất cả phụ huynh. Thậm chí, tại các thành phố, kỳ nghỉ hè của nhiều em kết thúc chỉ vẻn vẹn sau ... 1 chuyến du lịch cùng gia đình.

Các bậc cha mẹ “điên cuồng” tìm lớp học bổ trợ thêm kiến thức các môn học cho con. Họ sẵn sàng trả một số tiền đắt đỏ để mua cho con những khóa học năng khiếu,  kỹ năng sống thiếu thực tế và phần lớn kiến thức chỉ là...trên sách vở. Trẻ tiền lớp 1 lao vào học chữ trước. Trẻ sắp cuối cấp hối hả ôn thi. Đến cả những vùng quê cũng không còn an toàn cho chúng: game online, tại nạn thương tích, đuối nước...là nỗi lo thường trực trên vai những ông bố bà mẹ mỗi khi rời khỏi nhà. Để an toàn nhất cho con, các lớp học thêm của những cô giáo làng cũng mọc ra khắp xóm thôn để phụ huynh gửi gắm.

Hậu quả là, bọn trẻ phờ phạc hơn sau những ngày hè được “nung” trong lò luyện chữ. Không còn sự háo hức tựu trường, ngày khai giảng năm học mới chỉ là cơn ác mộng. Đúng như ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD ĐT Đà Nẵng nói: “Đến khi khai giảng, học sinh không còn cảm xúc gì hết”.

“Mùa hè, hãy trả lại cho con những cái đầu.... “trống rỗng”, một cái đầu được nghỉ ngơi để có thể tái tạo năng lượng mới” - Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện phát triển giáo dục và trí tuệ Việt từng phải thốt lên với tôi như vậy trong một cuộc tranh luận về dạy chữ trước cho học sinh lớp 1: “9 tháng ròng rã, các con đã phải vật lộn với kiến thức mỗi ngày 2 buổi ở trường, rồi học thêm, phụ đạo với gia sư ở nhà, ở trung tâm...3 tháng hè là khoảng thời gian hiếm hoi mà các con có thể sống thật với tuổi thơ của mình. Vì vậy, cha mẹ hãy giúp con có 1 mùa hè đúng nghĩa!” – bà Lan Anh nói.