Dân Việt

Bỏ tiền tỷ thuần phục ba kích rừng

Thu Hà 06/06/2016 19:00 GMT+7
Kiên trì, dày công, ông Lê Công Tiềm (xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) đã trồng thành công cây ba kích rừng trên đất đồi nhà, vừa làm giàu cho gia đình, vừa tạo nghề, tạo thu nhập cho bà con thôn xóm.

“Bén duyên” với cây ba kích

Dẫn chúng tôi thăm khu đồi bạt ngàn ba kích tím, ông Tiềm kể: “Trước đây, trên các triền núi ở Ba Chẽ cây ba kích tím mọc hoang nhiều lắm. Bỗng dưng các thương lái ở đâu đến thu mua củ ba kích với giá cao, người dân đua nhau đào để bán nên cây ba kích tím ở Ba Chẽ có nguy cơ bị tận diệt. Nhìn thấy cây dược liệu quý ngày càng vắng bóng, tôi quyết định đưa giống cây này về trồng trên đất đồi nhà”.

img

Ông Lê Công Tiềm Tiềm là người đầu tiên ở huyện Ba Chẽ thuần phục thành công giống cây
ba kích rừng. Ảnh: Thu Hà

Để trồng ba kích đạt hiệu quả cao, người trồng cần phải chủ động được việc thoát nước, tưới tiêu và ánh sáng. Khi cây non thì giống ba kích ưa bóng, khi trưởng thành là cây ưa sáng, người trồng phải biết điều này để tỉa tán cây rừng thích hợp”.

Ông Lê Công Tiềm

Để có đủ cây giống, ông Tiềm lặn lội vào những cánh rừng vắng tìm cắt những dây ba kích còn sót lại đem về ươm tại vườn nhà. Tuy nhiên, việc ươm giống không thành công, ba kích chết gần hết. Vừa tiếp tục mày mò kỹ thuật chăm sóc cây, ông Tiềm  mạnh dạn liên hệ với các cơ quan chuyên môn, mời họ xuống tận nơi để khảo sát thực trạng cây ba kích tím cũng như tìm hiểu cách nhân giống.

“Các giáo sư ở Viện Công nghệ sinh học (Hà Nội) đã về tìm hiểu, lấy mẫu đất, cây giống đem đi phân tích. Kết quả rất khả quan, chất đất ở Ba Chẽ phù hợp với cây ba kích tím. Từ đây, tôi liên kết với Viện Công nghệ sinh học sử dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống cây ba kích. Cách làm này vừa đảm bảo được năng suất, vừa đảm bảo được chất lượng củ ba kích” - ông Tiềm cho hay.

Năm 2012, ông Tiềm đã đầu tư tiền tỷ vào trồng ba kích tím. Bước đầu, ông thử nghiệm trồng với diện tích 3ha, mật độ 20.000 cây/ha. Ngay năm đầu tiên, cây ba kích đã sinh trưởng, phát triển tốt. Đào vài cây lên xem thử, ông thấy chúng đã ra 3 - 5 củ nhỏ, mỗi củ dài khoảng 20 – 30cm, tính trung bình năm đầu tiên mỗi cây cho khoảng 1kg củ.

Có đà, năm 2013, ông Tiềm tiếp tục đầu tư trồng thêm 100ha ba kích tím. “Với quy trình chăm sóc tốt, sau 3 năm cây ba kích sẽ cho thu hoạch. Vốn đầu tư trồng ba kích khoảng 300 triệu đồng/ha. Mật độ trồng 20.000 cây/ha, mỗi gốc cây ba kích sẽ cho thu hoạch 3,5 - 4kg củ tươi. Với giá bán từ 200.000 – 250.000 đồng/kg, người trồng có thể kiếm tiền tỷ” - ông Tiềm tính toán.

Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm

Ông Tiềm kể, ông vốn quê gốc ở xã Bình Dương (Gia Bình, Bắc Ninh). Trước đây, ông làm nghề chế biến gỗ xuất khẩu. Để có nguyên liệu, ông thường lặn lội về các vùng núi trong đó có huyện Ba Chẽ thu mua gỗ của bà con. Thấy huyện Ba Chẽ có tiềm năng lớn về rừng và đất rừng, năm 2005, ông đã bán hết tài sản về đây lập nghiệp.

Tại xã Thanh Lâm, ông đã thành lập Hợp tác xã Toàn Dân và thuê cả khu đồi rộng hơn 1.200ha trong 50 năm để đầu tư trồng rừng. Giống cây ba kích tím được ông trồng xen canh với cây rừng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông Tiềm sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân để mọi người cùng có thu nhập cao. Ông Tiềm thổ lộ: “Đã có hàng trăm đoàn đến tham quan, nghiên cứu và học hỏi mô hình trồng cây ba kích tím của tôi”.

Theo Đông y, ba kích tím có tác dụng bổ thận, tráng dương, hoặc trị các bệnh đau khớp, đau lưng. Do là vị thuốc quý nên thị trường của cây ba kích tím rất có tiềm năng. Ông Tiềm cho biết, để giữ được đặc tính và vị thuốc vốn có của ba kích tím, người trồng cần  chuẩn bị tốt khâu giống. Mầm giống phải được ủ trong nhà kính 6 tháng để tránh gió. Sau đó, cấy mầm vào bầu đất và chăm sóc trong nhà lưới. Cây lớn tầm 10 - 15cm đem lên trồng xen canh với cây rừng để đảm bảo được hoạt chất quý trong cây. Trước khi trồng cần bón lót phân chuồng ủ hoai mục.