Dân Việt

Lúa thơm Japonica ở miền Tây Nghệ An đắt khách

Vân Thanh 06/06/2016 17:10 GMT+7
Từ năm 2010 huyện Quế phong, Nghệ An đã phối hợp với viện di truyền nông nghiệp Việt Nam đem trồng thử nghiệm giống lúa Japonica. Năm nay, năng suất lúa cao, ước đạt 6 tấn/ ha, sản lượng đạt khoảng 1500 tấn và lúa sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Năm 2015- 2016 huyện tiếp tục đưa giống lúa vào sản xuất tại 4 xã là Tri Lễ, Mường Nọc, Châu Kim và Tiền Phong với tổng diện tích 250 ha, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị trong chăm sóc, bảo vệ, nhờ vậy vụ xuân  năng suất rất cao. Năng suất ước tính đạt 6 tấn/ ha, sản lượng đạt khoảng 1500 tấn.

Ngoài yếu tố chất lượng gạo ngon, khi nấu cơm không bị nát, để nguội không bị khô cứng. Giá thương phẩm lại cao gấp đôi so với các giống lúa thuần, giống lúa cao sản khác của địa phương. Sau khi gặt xong, các thương lái cũng gom mua ngay sau khi tuốt được tại đồng với giá khá cao so với lúa thuần địa phương.

img

Hội thảo giống lúa Japonica ở Quế Phong. Ảnh: Ngọc Tăng.

Chị Lô Thị Hiền bản Na Phày xã Mường Nọc vui vẻ chia sẻ: “Nếu giống lúa lai thuần khác chỉ được 6000đồng/kg thì lúa Japonica bán được giá 9000 – 10.000 đồng/kg”.

Không chỉ có chị Hiền, nhiều hộ gia đình ở các xã Mường Nọc, Tri Lễ, Châu Kim và Tiền Phong cũng đã chuyển sang trồng lúa Japonica. Nâng tổng số diện tích giống lúa này lên 250 ha vụ xuân 2016.

Trồng giống lúa mới trong thời gian đầu, người nông dân còn được hỗ trợ 50% giá giống, phân và thuốc bảo vệ thực vật để phát triển sản xuất trong những năm đầu và giảm dần ở những năm tiếp theo.

Trên con đường xây dựng thương hiệu gạo thơm Japonica thành một sản phẩm mang tính vùng miền, đặc sản của địa phương, ủy ban nhân dân huyện Quế Phong đã phê duyệt dự án sản xuất lúa đặc sản chất lượng cao từ sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời đưa sản phẩm này tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ do Sở Công thương tổ chức, được khách hàng đánh giá rất cao. Hiện có nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, thành Phố Vinh cũng đang đặt hàng.

Bà: Vi Ngọc Bé, Giám đốc HTX SXKD Dịch vụ nông nghiệp Quế Phong cho biết: “Hợp tác xã chúng tôi mới đi vào hoạt động, chúng tôi đã đưa gạo Japonica vào danh mục kinh doanh và cháy hàng khi đến mùa vụ dù giá cao gấp rưỡi các loại lúa khác. Hiện giá khoảng 10-11.000 đồng/ kg".

img

 Lúa Japonica được mùa ở Quế Phong. Ảnh: Trần Quốc Thành

Ông Lê Văn Quang, Trạm trưởng trạm bảo vệ thực vật huyện Quế Phong cho biết: “Giống lúa Japonica vụ xuân 2016 được mùa lớn, bà con rất phấn khởi, chúng tôi cũng đang đề xuất huyện tiếp tục có cơ chế hỗ trợ nông dân giá giống để tiếp tục sản xuất loại lúa thơm đặc sản này.”

Trong thời gian tới nếu đưa giống lúa Japonica vào sản xuất đại trà trên toàn 13 xã  của huyện Quế Phong sẽ rút ngắn chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân trong toàn vùng, tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa tập trung với số lượng lớn, gia tăng chất lượng lúa gạo, tạo ưu thế cạnh tranh trong sản xuất và làm nền tảng cho việc sản xuất lúa theo hướng an toàn, góp phần xây dựng thương hiệu lúa gạo thơm tại địa phương.

Quế Phong đang  triển khai xây dựng “Mô hình cánh đồng mẫu lúa japonica chất lượng thơm đặc sản” và  quy hoạch vùng sản xuất lúa theo hướng bền vững.