Dân Việt

Cựu Bộ trưởng bị truy tố vì tham tiền, ham tình

15/06/2013 06:54 GMT+7
(Dân Việt) - Từng nổi tiếng với dự án tàu cao tốc dài nhất thế giới, nhưng vì những mối tư lợi và quan hệ tình ái bất chính, “quan” Liu Zhijun đang phải đối mặt với quãng đời còn lại sau song sắt nhà tù.

Theo giới truyền thông Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Đường sắt Liu chính thức bị buộc tội tham nhũng và lạm quyền khi còn đương chức. Phiên tòa xét xử Liu chưa được ấn định thời gian. Liu là một trong nhiều “quan” cấp cao bị tù trong chiến dịch chống tham nhũng đang được chính phủ Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh.

img
Ông Liu Zhijun trong một buổi lễ khánh thành tàu cao tốc

Cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào cựu Bộ trưởng Liu bắt đầu vào tháng 2.2011. Đến ngày 3-8 năm ấy, văn bản kết luận vụ việc được công bố với 6 hành vi vi phạm kỷ luật của Liu. Các cáo buộc gồm hành vi tham nhũng và quan hệ “hủ hóa” bất chính. Một phần tiền phi pháp trong vụ này có liên quan mật thiết đến nữ doanh nhân Ding Shumiao ở vùng Thiểm Tây. Viện kiểm sát cho biết Liu giúp Ding chắc chắn nhận được các hợp đồng trị giá 3 tỷ tệ và đứng ra làm trung gian để nhận “lại quả” từ những hợp đồng này.

Tình tiền trọn vẹn

Theo nhiều nguồn tin, Liu có hàng chục nhân tình, nổi bật là nữ doanh nhân Ding. Cuộc điều tra về Ding đã được cơ quan pháp luật bắt đầu thực hiện vào tháng 1.2011 và đã kết thúc. Số tiền “lại quả” mà Liu và Ding chia nhau sẽ là yếu tố quan trọng trong việc xác định mức độ tham những mà ông ta phải chịu trách nhiệm. Ding cũng “trả tình” cho Liu để đền đáp.

Ngoài ra, các nhà điều tra còn phát hiện Liu đã quan hệ tình dục với khá nhiều phụ nữ, gồm nhiều người do Ding giới thiệu. Các kiểm sát viên cũng nghi ngờ Liu nhận hối lộ từ bốn quan chức văn phòng đường sắt khác.

Nữ doanh nhân Ding 57 tuổi người Thiểm Tây (bắc TQ) lập nghiệp bằng cách bán lẻ các mặt hàng thực phẩm cho tài xế rồi chuyển lập công ty điều hành vận chuyển than và sau đó mở rộng qua các lĩnh vực thiết bị đường sắt, giải trí và quảng cáo.

Những người từng làm việc với Ding đều cho rằng bà ta rất giỏi tạo và giữ các mối quan hệ. Ding nhanh chóng hốt bạc trong ngành đường sắt nhờ sự giúp đỡ tận tình của “quan” đường sắt Luo Jingbao, người sau này được bổ nhiệm làm giám sát thi công xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao chở khách đầu tiên của TQ kết nối Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc) đến Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây). Đến tháng 10-2010, Luo bị cách chức do tham nhũng và bị khởi tố điều tra vào đầu năm 2011.

Chính Luo là người giới thiệu Ding cho Liu vào năm 2003, trước khi Liu được giới thiệu và trở thành Bộ trưởng Đường sắt. Luo cũng “dắt mối” cho Ding làm quen với Zhang Shuguang, một trợ lý quan trọng của Bộ trưởng Liu trong chiến dịch đầy tham vọng xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc rộng khắp TQ. Zhang từng là kỹ sư trưởng và Phó cục trưởng Giao thông vận tải của Bộ Đường sắt, đã bị đình chỉ công tác và điều tra trong tháng 2.2011.

Ding tìm mọi cách để chiếm được sự tin tưởng từ “quan” Liu. Đơn cử như vụ việc liên quan em trai của Liu là Liu Zhixiang, người đã bị bắt giữ vào tháng 1.2005 về tội tham nhũng và cố ý gây thương tích khi đang là Phó giám đốc Cục Đường sắt Vũ Hán. Tháng 4.2006, Liu Zhixiang bị kết án tử hình nhưng tòa tuyên hoãn thi hành án hai năm và bị tước quyền tham gia chính trị suốt đời.

Dưới sự hướng dẫn của Zhang, Ding đã sử dụng các mối quan hệ của mình để giúp Liu “em” chạy án. Thật bất ngờ khi án phạt của Liu em đã giảm xuống còn 16 năm tù, và ông ta được chuyển đến một bệnh viện trong nhà tù vì bị giảm sút sức khỏe. Sau đó Liu “em” được phép lưu trú tại một bệnh viện địa phương.

img
Tai nạn thảm khốc tại Ôn Châu khiến 40 người chết năm 2011

“Kinh doanh” mát tay

Với sự ủng hộ của Liu “anh”, Ding trở thành một trung gian quan trọng trong đấu thầu cho các dự án đường sắt. Các nhà điều tra phát hiện Ding nhận được 2,4 tỷ tệ trong chi phí liên quan dự án trị giá 180 tỷ tệ. Chỉ trong dự án cao tốc Thượng Hải - Bắc Kinh, Ding bỏ túi khoảng 800 triệu tệ. Bà ta còn nhận được 600 triệu tệ trong những phi vụ khai thác vận chuyển than bất hợp pháp.

Tuy nhiên, Liu cũng khá cáo già khi rất thận trọng trong giao dịch tiền bạc với Ding. Các nhà điều tra cho biết hiếm khi nào ông ta nhận tiền mặt trực tiếp từ Ding. Thay vào đó, ông ta yêu cầu Ding để lại một số tiền nhất định trong tài khoản của bà ta. Chính vì điều này mà các nhà điều tra vẫn chưa tổng kết được thực chất Liu đã tham nhũng bao nhiêu tiền từ những phi vụ này.

Ding là “cò” trung gian giữa Bộ Đường sắt và các doanh nghiệp nhà nước đang phải cạnh tranh gay gắt để thắng được các gói thầu dự án đường sắt. Giám đốc điều hành của một công ty đường sắt nhà nước cho biết: ngay cả các doanh nghiệp nhà nước lớn đều phải dựa vào “cò” và chi tiền “bôi trơn” để đảm bảo có được hợp đồng của các dự án lớn.

Thông thường doanh nghiệp phải “lại quả” trung bình 2% tổng giá trị dự án của các dự án xây dựng đường sắt. Tuy nhiên đối với những dự án lớn có sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều “ông lớn” tham gia thì tỷ lệ này được nâng lên đến 20% giá trị hợp đồng.

Phi vụ của Ding bắt đầu hé lộ khi Kiểm toán Nhà nước thanh tra nhiều doanh nghiệp nhà nước vào giữa năm 2010. Kiểm toán viên theo dõi và phát hiện một công ty đã thanh toán cho Ding 100 triệu tệ gọi là "lệ phí tư vấn" sau khi công ty này đấu giá thành công một dự án đường sắt.

Ngoài việc làm “cò”, Ding còn hốt bạc từ một công ty bán thiết bị đường sắt như ghế, thiết bị cách âm, bánh xe... và có doanh thu tăng nhanh, đạt 30 triệu tệ trong năm 2009. Công ty High Speed Railway Media của Ding kiểm soát hầu hết các quảng cáo trong nhà ga toàn TQ. Cuối năm 2008, công ty này ký hợp đồng với một nhà ga mới tại Thanh Đảo để trở thành đại lý quảng cáo duy nhất trong 20 năm, đem đến cho nhà ga 1 triệu tệ mỗi năm.

Năm 2010, Bộ Đường sắt tổ chức Hội nghị quốc tế về đường sắt cao tốc tại Bắc Kinh với chi phí dự trù khoảng 120 triệu tệ. Theo một nguồn tin giấu tên, ban đầu đơn vị tổ chức được chọn là Học viện Khoa học đường sắt TQ nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì, công ty của Ding được giao thực hiện sự kiện này.

Sau đó, Công ty High Speed Railway Media tính phí tài trợ 10 triệu tệ đối với mỗi doanh nghiệp tham dự hội nghị khiến dư luận bức xúc. Vào tháng 7, Kiểm toán Nhà nước phát hiện một video quảng cáo có tên "Đường sắt Trung Quốc" được trình chiếu tại lễ khai mạc hội nghị này, nhưng chi phí thực hiện được tính lên đến 18,5 triệu tệ. Vụ việc ầm ĩ dẫn đến một cuộc điều tra sâu rộng tại sao quảng cáo đường sắt lại chỉ được một số doanh nghiệp truyền thông “có cửa” tham gia.

Quan to hai mặt

Những người thân cận quan Liu cho rằng ông ta là một con người hai mặt, có tài, rất ham làm việc nhưng tham nhũng cũng “tích cực” không kém. Nhiều người cho biết Liu bị nghiện làm việc. “Ông ta sống gần trụ sở bộ và đến văn phòng từ lúc 6 giờ sáng. Tiếp đó là họp hành, nghe báo cáo, kiểm tra các hoạt động văn phòng…

Thường ông ấy ở lại văn phòng đến gần đêm mới về”, một nhân viên kể lại. Thái độ làm việc quyết đoán và cách thức giải quyết vấn đề của ông ta gây ấn tượng với nhiều người. Nhưng những người lao động, công nhân phàn nàn khối lượng công việc tăng cao nhưng tiền lương vẫn ì ạch ở mức thấp.

Khi Bắc Kinh tung gói kích thích kinh tế 4.000 tỷ tệ để đối phó lại khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Liu thúc đẩy sự phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc. Đến cuối năm 2011, cả TQ có 13.000km đường sắt tốc độ cao. Trong kế hoạch 5 năm từ 2006 - 2010, đầu tư cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia đạt con số khổng lồ lên đến 1,98 tỷ tệ.

Nhưng các chuyên gia kinh tế lo ngại về tính hiệu quả: ngành đường sắt đã đầu tư số vốn “khủng” nhưng không thúc đẩy được nền kinh tế và đây cũng chưa phải là những công nghệ tiên tiến nhất, khả thi và hiệu quả nhất. Nhiều người còn cho rằng chính hệ thống này là nguyên nhân dẫn đến tai nạn thảm khốc tại Ôn Châu năm 2011 khiến 40 người thiệt mạng.

Theo Thế giới & Hội nhập