Ngày cuối cùng của Đối thoại Kinh tế và Chiến lược, Ngoại trưởng Mỹ Kerry ca ngợi các cuộc đàm phán như một "cơ chế cần thiết" để thảo luận về những vấn đề khác biệt.
Tuy nhiên, cả ông Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì đều cho rằng, hai nước vẫn còn cách xa nhau về những tranh cãi liên quan đến vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã tự ý xây dựng trái phép nhiều đảo và đá ngầm trên vùng biển mà Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry nhiều lần nhấn mạnh, Mỹ ủng hộ các cuộc đàm phán và giải quyết vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp và phản đối bất cứ bên liên quan nào đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.
Trung Quốc đang chiếm đóng nhiều đảo nhỏ và bãi đá ở Biển Đông, nơi có tuyến vận chuyển then chốt của thương mại thế giới. Bắc Kinh đòi chủ quyền phi lý đối với hầu như toàn bộ vùng biển này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Mỹ bày tỏ lập trường trung lập đối với những vụ tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, Washington thỉnh thoảng điều máy bay và tàu chiến tiến vào khu vực gần những hòn đảo do Trung Quốc kiểm soát và nói rằng họ muốn bảo vệ tự do hàng hải ở hải phận quốc tế.
Trung Quốc cho rằng những hành động đó của Mỹ là "có tính chất gây hấn" và có mục đích hậu thuẫn cho các nước đồng minh, như Philippines. Trong vài năm qua, Bắc Kinh cũng xây những hòn đảo nhân tạo trên 7 bãi đá mà họ kiểm soát và đã bố trí những khí tài quân sự trên một số đảo.
Trên tờ The Diplomat, ông Philip Reynolds là một nhà nghiên cứu về những vụ xung đột toàn cầu và là nghiên cứu sinh ban tiến sĩ của Đại học Hawaii, cho rằng Trung Quốc đang chiếm thế "thượng phong".
Ông Reynolds cho rằng cách thức duy nhất mà Mỹ có thể đảo ngược những vụ cải tạo, bồi đắp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) là phát động một cuộc chiến tranh rất tốn kém mà người dân nước Mỹ không muốn. Ông nói rằng Bắc Kinh biết rõ điều đó và đó chính là lý do vì sao những hoạt động tự do hàng hải của Mỹ không khiến cho Trung Quốc phải làm điều gì khác hơn ngoài việc lớn tiếng phản đối.
Hình ảnh chụp từ trên cao cho thấy Trung Quốc xây dựng trái phép tại các đảo/đá mà Bắc Kinh chiếm bất hợp pháp trên Biển Đông. (Ảnh: NYTimes).
“Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc nhất thiết phải tìm cách ngăn Mỹ hiện diện trong khu vực này. Mục tiêu của Trung Quốc là chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Mỹ không thể ngăn chặn sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực này”, ông Philip Reynolds bình luận.
Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều tuyên bố họ muốn những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo được giải quyết thông qua đường ngoại giao.
Ông Bill Hayton, một chuyên gia Châu Á của Viện Chatam House ở London, có một cái nhìn khác về những hành động của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Hayton, tác giả cuốn “Biển Đông: Cuộc tranh giành Quyền lực ở Châu Á” tin rằng, Bắc Kinh chưa “thắng” trong trận chiến với Mỹ, nhất là khi xét tới tình hình ở Bãi cạn Scarborough, nơi mà Trung Quốc và Philippines đều có yêu sách chủ quyền.
Trong những tuần lễ trước đó, có rất nhiều người bàn tán là Trung Quốc sẽ đưa nhiều tàu bè tới đó, họ chuẩn bị nạo vét để xây đảo nhân tạo hay xúc tiến những hoạt động tương tự như vậy. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Và, dường như Mỹ đã làm cho Trung Quốc sợ mà không thực hiện hoạt động xây dựng ở Scarborough. Nhưng chúng ta không thể biết chắc là có phải như vậy hay không.
Ngoài ra, uy tín của Trung Quốc sắp đối mặt với một mối đe dọa khác trong những tháng sắp tới. Một tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc ở La Haye sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines chống lại “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã bác bỏ sự can dự của toà án La Haye vào vụ này và nói rằng vấn đề nên được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp với Manila.
Ông Hayton cho biết, dự kiến toà án Liên Hợp Quốc sẽ đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines qua việc xác định là Trung Quốc không có đặc quyền kinh tế tại một số vùng ở Biển Đông. Nhưng ông nói rằng tác động của một phán quyết như vậy đối với lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ tuỳ thuộc vào phản ứng của họ.
Về phần mình, trong một tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8.6 đã ra Tuyên bố về giải quyết các tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông thông qua đàm phán song phương.
Tuyên bố nhấn mạnh Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành động đơn phương của Philippines, kiên trì lập trường chính thức là không chấp nhận và không tham gia vào việc phân xử trọng tài, đồng thời duy trì cam kết giải quyết các tranh chấp hữu quan với Philippines ở Biển Đông thông qua đàm phán song phương.
Từ trái qua: Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại 'Đối thoại Chiến lược và Kinh tế lần thứ 8'. (Ảnh: Reuters)
Tuyên bố nêu ra bốn luận điểm: Trung Quốc và Philippines đã cùng nhất trí và cam kết giải quyết những tranh chấp liên quan giữa hai nước ở Biển Đông thông qua đàm phán; Trung Quốc và Philippines chưa bao giờ tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào về chủ đề trọng tài phân xử do phía Philippines khởi xướng; Việc Philippines đơn phương khởi xướng vấn đề trọng tài phân xử tranh chấp đi ngược lại thỏa thuận song phương về giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng, và vi phạm các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS); Trung Quốc sẽ kiên trì lập trường giải quyết các tranh chấp liên quan với Philippines ở Biển Đông thông qua thương lượng.
Tại tất cả các diễn đàn, Trung Quốc đều lớn tiếng cho rằng, Bắc Kinh không chấp nhận bất cứ biện pháp giải quyết tranh chấp nào áp đặt cho Bắc Kinh, và cũng không chấp nhận bất cứ sự cầu viện tới bên thứ ba nào để giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, dư luận quốc tế đều cho rằng, Bắc Kinh nên tôn trọng phán quyết của tòa và nên tuân thủ luật pháp quốc tế khi ứng xử trên Biển Đông.