Nấm đen nhạt - Một loại nấm độc khá giống với nấm ăn được. Ảnh: Internet
Theo PGS.TS. Hoàng Công Minh – Nguyên chủ nhiệm bộ môn Độc học, Trung tâm Phòng chống nhiễm độc - Học viện Quân y, ở Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau.
Đặc biệt, có những loại nấm độc rất giống nấm thường, mọc lẫn với nấm ăn được, khiến người đi hái nấm rất dễ bị nhầm. Đối với loại nấm này có thể thử nghiệm theo các cách sau để nhận biết độ an toàn:
Thử nghiệm bằng hành lá: Dùng phần trắng của hành lá chà xát trên mũ nấm, nếu thân hành biến thành màu xanh nâu chứng tỏ có độc, nếu ngược lại, hành không chuyển màu chứng tỏ không có độc. Ngoài ra, sau khi nấu chín, có thể dùng đũa, thìa bạc để thử trước khi ăn.
Thử nghiệm bằng sữa bò: Cho một lượng nhỏ sữa bò tươi bên trên mũ nấm, nếu thấy hiện tượng sữa vón cục, có khả năng nấm này có độc.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dễ dàng nhận biết nấm độc những loại nấm độc bằng mắt thường qua dấu hiệu sau:
Màu sắc: Các loại nấm độc thường trông nhiều màu sắc hơn, có đốm nổi lên, trên mũ nấm có những hạt nổi hay vằn màu đỏ hay màu tạp, có rãnh, vết nứt, có vòng quanh thân…, khi ngắt sẽ có nhựa chảy ra.
Nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ. Ảnh: Internet
Mùi vị: Nấm độc khi hái thường có mùi cay, mùi hắc hoặc mùi đắng xộc lên. Trong khi đó, nấm ăn được thường thơm hoặc không mùi.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia để an toàn tuyệt đối không nên ăn nấm dại, nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc.
Chiều ngày 7.6, có 7 người trong một gia đình ở tại Buôn Kuốp, xã Đrây Sáp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk phải nhập viện vì ngộ độc nấm. Theo đó, tại khu vực này thường có nhiều nấm mối nên họ đã đi lấy. Tuy nhiên, khi chế biến và ăn xong thì tất cả những người ăn đều xuất hiện triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, đau đầu. Sau đó, họ được gia đình chuyển đi bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cấp cứu. |