Trao đổi với PV ngay sau hội nghị đánh giá về đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết sẽ đưa ra các đề xuất mới để thực hiện các dự án BOT cho giai đoạn tiếp theo.
Trong đó, sẽ tập trung vào các dự án mang tính chất đột phá và kiến nghị Chính phủ và Bộ KHĐT ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hơn trong việc thực hiện các dự án BOT.
Ông Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ cùng các Bộ ngành khác đưa ra một lộ trình đầu tư hợp lý hơn, mức phí hợp lý hơn, thời gian hoàn vốn hợp lý hơn”.
Ông Trường cũng khẳng định trong năm nay, sẽ chưa đồng ý cho các nhà đầu tư BOT tăng phí theo lộ trình được dự kiến từ trước.
Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là một trong các tuyến đề nghị tăng phí nhưng cũng chưa được đồng ý. Ông Mai Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư tuyến đường cho biết: “Việc tạm dừng tăng phí để rà soát theo chỉ đạo của Chính phủ là việc nên làm, chúng tôi đã thực hiện theo yêu cầu đó”.
Theo nhà đầu tư này, việc tạm dừng tăng phí mặc dù hợp đồng đã được ký kết cần xem xét ở góc nhìn tổng thể. Ông Tuấn Anh cho rằng: “Ở đây, chúng ta còn tính tác động của việc thu phí đến tổng chi phí xã hội nữa, không vì lợi ích của các chủ đầu tư BOT mà làm tăng chi phí lưu thông, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Cùng quan điểm này, TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: “Mức phí trên từng trạm người dân có thể trả được, nhưng nếu tính trên toàn tuyến lại quá cao, đánh vào chi phí chung của cả nền kinh tế”.
Về vấn đề lợi ích trái ngược giữa nhà đầu tư với người dân, TS Thiên cho rằng đây là vấn đề liên quan đến cung cầu. Nhà đầu tư luôn muốn hưởng lợi từ việc thu phí cao, thời gian thu phí dài, còn người dân có yêu cầu ngược lại.
Để có thể hài hòa lợi ích các bên, ông Mai Tuấn Anh đánh giá điều quan trọng nhất là phải minh bạch các dự án BOT.
Ông Tuấn Anh đề nghị: “Ngay từ khi lập dự án, anh tính tổng mức đầu tư ra sao, lưu lượng xe thế nào để đưa ra mức phí dự kiến, thời gian thu phí cần được giám sát kỹ”.
Do đó, trong điều kiện hiện nay việc tạm dừng tăng phí theo lộ trình để đánh giá lại các dự án là hợp lý. Bở có thể khi lập dự án, nhà đầu tư dự toán tổng mức đầu tư lớn, đến khi quyết toán giá trị thấp hơn. Hoặc khi tính thời gian thu phí dự kiến lưu lượng xe thấp, nhưng hiện tại lưu lượng xe đã tăng.
Chủ đầu tư nhiều tuyến đường cao tốc tại Việt Nam cho rằng: “Có thể trong tính toán thu được 1 tỉ đồng/ngày nhưng khi dự án đi vào hoạt động có thể thu được 1,5 tỉ đồng/ngày chẳng hạn, thì phải tính toán lại mức phí và thời gian thu phí để hài hòa lợi ích các bên”.
TS Trần Đình Thiên cũng đồng ý rằng trong những trường hợp đặc biệt, cần có sự tham gia của Ngân sách Nhà nước để có mức phí thấp hơn, thời gian thu phí kéo dài ra, đảm bảo cả người dân, nhà đầu tư và Nhà nước đều có lợi.