Mô hình trang trại tổng hợp gồm chăn nuôi và trồng trọt của hộ anh Nguyễn Văn Thơm ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát (Bình Định) là 1 trong những điển hình làm kinh tế của địa phương.
Vợ chồng anh Thơm vốn là công nhân của Nông Lâm trường Phù Cát. Năm 2003 vợ chồng anh nghỉ theo chế độ tinh giảm biên chế. “Về quê với 2 bàn tay trắng, vợ chồng tôi phải đi làm thuê. Trong thâm tâm tôi vẫn nung nấu làm giàu từ nghề nông…”-anh Thơm nhớ lại.
Anh Nguyễn Văn Thơm đang chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: L.N.T
Năm 2007, Nhà nước có chủ trương bán những vườn điều kém hiệu quả, anh Thơm đã mạnh dạn vay mượn vốn của anh em, bạn bè, người thân để mua 7ha vườn điều. Sau nhiều năm nỗ lực lao động, vất vả khai hoang vỡ hóa, lấy ngắn nuôi dài, tới nay vợ chồng anh đã có 1 gia sản không hề nhỏ. Đó là trang trại tổng hợp bên hồ chứa nước suối Chay gồm 7ha điều, 3ha bạch đàn, 0,5ha lúa, 0,5ha tiêu, nuôi 17 con bò, 15 con dê. Thu nhập từ trang trại sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm vợ chồng anh Thơm còn lãi hơn 400 triệu đồng. Trang trại tổng hợp của gia đình anh Thơm đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Anh Nguyễn Văn Thơm chia sẻ: “Để có được như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu lao động của bản thân và các thành viên trong gia đình. Tôi nhận thấy, muốn làm nghề nông thành công, trước hết phải chọn hướng đi đúng, và quan trọng nhất là phải có niềm đam mê và quyết tâm làm giàu…”.
Không chỉ làm giàu cho mình, anh Thơm còn động viên, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con quanh vùng. Qua đó, nhiều gia đình được anh hỗ trợ đã biết làm kinh tế, vươn lên khấm khá. Theo ông Hà Văn Khương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Trinh, mô hình trang trại tổng hợp của anh Thơm khai thác được tiềm năng, lợi thế của đất đai, phân tán các rủi ro. Hội Nông dân xã đã tích cực tuyên truyền, phổ biến để nhiều hộ nông dân trong xã đến tham quan, học tập mô hình của anh Thơm…