Chênh lệch giá tới 41 lần
Tại buổi Toạ đàm Phát triển dược liệu (DL) bền vững do Bộ Y tế tổ chức ngày 8.6, PGS-TS Trần Văn Ơn – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Dược DK Pharma (Bộ Y tế) cho biết, giá DL trúng thầu giữa các bệnh viện rất khác nhau.
Sản phẩm Dây thìa canh được trồng,thu hái và chế biến tại xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Đây là vùng dược liệu chuyên trồng Dây thìa canh đạt chuẩn GACP – WHO (ảnh minh họa).
Phân tích dữ liệu từ một số bệnh viện công lập trong nước năm 2012 cho thấy, có 239 loại DL được cung ứng cho các bệnh viện công lập (bảo hiểm y tế chi trả). Trong đó 36% DL thu hái tự nhiên, 32% trồng, 32% nhập khẩu. Giá chênh lệch trung bình là 6 lần, trong đó có tới 20 DL chệnh lệch từ 9,7 đến 41,1 lần. Cụ thể như vị Đăng tâm thảo giá trúng thầu thấp nhất là 100.000 đồng, giá cao nhất là hơn 2,4 triệu đồng, chênh lệch 24,4 lần, còn giá tham khảo đại lý là 500.000 đồng/kg. Vị Mạch nha giá thấp nhất là 40.000 đồng, giá cao nhất lên đến 1,43 triệu đồng/kg, cao gấp 35,9 lần, giá đại lý cũng chỉ có 40.000 đồng/kg. Đặc biệt vị Xuyên khung có mức chênh lệch cao tới 41,1 lần khi giá thấp nhất chỉ 156.000 đồng, giá cao nhất tới hơn 6,4 triệu đồng, giá tham khảo đại lý chỉ 110.000 đồng/kg.
PGS Ơn cũng cung cấp danh sách 66 DL trúng thầu năm 2012 có giá trung bình từ 300.000 đồng/kg trở lên nhưng mức chênh lệch từ cao nhất đến thấp nhất lại giao động từ 1,7 - 35,9 lần. Điều đáng chú ý nữa là giá trung bình của DL trúng thầu năm 2012 (309.000 đồng/kg) lại cao gấp 3 lần năm 2010 (103.000 đồng/kg). Khó hiểu hơn nữa là có nhiều DL dễ dàng trồng ở Việt Nam với chi phí không cao nhưng cũng được mua với giá quá cao và mức chênh lệch khó tin như Khổ sâm cho lá (chênh lệch 13 lần, từ 67.000 đến 827.000 đồng), Thiên môn Đông (chênh lệch 5,3 lần từ 140.000 đồng đến 746.000 đồng)… Lại có DL được Trung Quốc thu mua ngay tại các tỉnh miền núi phía Bắc với giá vài chục nghìn đồng/kg nhưng nhập về Việt Nam với giá trung bình khoảng 400.000 đồng/kg (giá năm 2012) như Ích trí nhân…
Ông Phạm Vũ Khánh – Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) chia sẻ, giá thành đấu thầu DL có sự chênh lệch là do chất lượng khác nhau. Ông Khánh cũng cho biết, mỗi năm ngành dược sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu, trong đó có khoảng 80-85% là dược liệu có nguồn gốc xuất xứ (chủ yếu nhập từ Trung Quốc). Qua quá trình kiểm tra, các cơ quan chuyên môn cũng phát hiện 50-60% các mẫu DL được kiểm nghiệm có chất lượng kém, bao gồm cả DL bị làm giả, DL kém chất lượng, nhuộm hoá chất độc hại, sao loài, DL bị chiết xuất hết hàm lượng thuốc, DL chưa được chế biến đúng quy định… “Việc nhập khẩu DL không rõ nguồn gốc vẫn đang là vấn nạn” – ông Khánh nói.
Kiểm nghiệm dược liệu tại Viện Kiểm nghiệm thuốc quốc gia. Ảnh: Diệu Linh
Trước việc giá DL giữa các bệnh viện quá chênh lệch, bà Nguyễn Thị Mến (58 tuổi, Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam) bức xúc: “Là người dân tôi làm sao phân biệt được DL 40.000 đồng với DL cùng loại giá 1,43 triệu đồng. Giá chênh lệch vậy thì đơn thuốc kê cho bệnh nhân sẽ ra sao? Liệu có việc mua giá “củi” bán giá “vàng” hay không? Có lúc tôi dùng thuốc đông y vài tháng mà bệnh không đỡ, bác sĩ bảo: “cơ địa hấp thụ không tốt”, tôi cũng chẳng biết do cơ địa hay do chất lượng thuốc”.
Nên quản lý theo quy trình
PGS Ơn chia sẻ, hiện nay có 90 loại cây DL đang được trồng tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu thị trường, với sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Trồng cây DL nhiều, tuy nhiên, hiện Việt Nam mới chỉ có 14 loại DL được trồng, thu hái theo tiêu chuẩn GACP - tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Theo PGS Ơn, công nghệ thu hái DL hiện nay rất thô sơ, chủ yếu là người dân tự thu hái, thái lát, phơi khô, phơi nắng, sấy bằng than đá. Không ít vùng phơi ngay trên đường đi, gần khu vực mất vệ sinh. Nguồn gốc xuất xứ ghi là “Nam”. Còn DL nhập khẩu được đóng gói bao tải vận chuyển qua đường tiểu ngạch và qua các nhà thầu vào bệnh viện y học cổ truyền (YHCT) sau khi được đóng túi lẻ và dán nhãn nhà thầu. Nguồn gốc cũng chỉ ghi đơn giản “Bắc”. Hơn nữa quy định về tiêu chuẩn của rất nhiều DL hiện nay cũng chỉ dừng ở mức định tính chung chung nên ngay cả khi yêu cầu chứng nhận xuất xứ và chất lượng thì cũng không đảm bảo DL thực sự có chất lượng. Từ đó dẫn đến thực trạng “tiền nào của nấy”, cùng 1 DL nhưng giá lại chênh nhau “trên giời dưới đất”.
Hiện cả nước có 62 bệnh viện YHCT, 89 bệnh viện đa khoa có khoa YHCT. Cả nước có 79 xã có hoạt động YHCT, có 6.575 cơ sở hành nghề YHCT với 8.150 giường bệnh. Nguồn: Bộ Y tế |
PGS Ơn cho rằng, nếu vẫn theo cách làm cũ “muốn làm thế nào thì làm miễn qua được kiểm nghiệm” thì không thể kiểm soát chất lượng DL. Các doanh nghiệp ngày nay buôn bán, đấu thầu DL cho các bệnh viện đều đạt các tiêu chuẩn của Dược điển. Nhưng đáng tiếc tiêu chuẩn DL vẫn chưa được chuẩn hoá, thường nghiêng về định tính còn định lượng về hàm lượng hoạt chất là gì, bao nhiêu thì rất ít DL có quy định cụ thể.
“Thay vì chúng ta quản lý chất lượng “hậu kiểm” thì chúng ta quản lý quá trình sản xuất DL, theo tiêu chuẩn GACP. DL đạt GACP có nghĩa là giống chuẩn, trồng chuẩn không có dư lượng hoá chất độc hại, đảm bảo được chế biến, bảo quản đúng chuẩn. Bằng đấy thứ chuẩn thì DL nghiễm nhiên chuẩn” – PGS Ơn nhấn mạnh.
Hiện nay Bộ Y tế cũng đã dành nhiều ngân sách để đầu tư cho các công trình nghiên cứu định lượng hàm lượng hoạt chất, đánh giá giá trị của các loại DL. Tuy nhiên, theo PGS Ơn không thể ban hành ngay tiêu chuẩn chất lượng chuẩn cho các loại DL. “Trung Quốc đã dành 3 tỷ đồng để định lượng hoạt chất cho 1 loại DL. Nhân lên với khoảng 200-300 loại DL mà chúng ta đang dùng thường xuyên trong công nghiệp dược và đông y sẽ là số tiền khổng lồ. Do đó, thay vì đầu tư dàn trải, chúng ta nên lựa chọn những dược liệu có vấn đề nhất, sau đó làm dần và hoàn thiện bộ “công cụ” đánh giá chất lượng dược liệu” – PGS Ơn khuyến cáo.
"Khuyến khích nông dân trồng DL là rất tốt, tuy nhiên không nên tuyên truyền “trồng DL để làm giàu” khiến người dân ào ào trồng, không tuân thủ quy chuẩn dẫn đến việc thu hái, bảo quản không đúng, DL hỏng, mốc, không bán được. Hơn nữa, người nông dân nên lựa sức mình để trồng các loài cây đơn giản, dễ thu hái, sơ chế”. PGS Trần Văn Ơn |