Dân Việt

Hoa đã nở trên “điểm nóng” Văn Giang

Khánh Gia 10/06/2016 06:33 GMT+7
Khi bị thu hồi đất phục vụ cho việc xây dựng khu đô thị Ecopark, một số bà con nông dân bị cuốn vào vòng lao lý. Tưởng rằng nghề trồng hoa, cây cảnh ở vùng đất Văn Giang, Hưng Yên sẽ biến mất khi có dự án này...

Thế nhưng, với sự nhanh nhạy vốn có, nhiều nông dân trồng hoa của 3 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao tận dụng đất bồi ngoài đê lập lại một thương hiệu hoa Văn Giang có phần rực rỡ hơn xưa.

Xứ sở hoa mới

Nằm sát sông Hồng, 3 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên vốn là vùng hoa, cây cảnh nổi tiếng từ những năm 90 thế kỷ trước. Năm 2013, vùng đất chuyên hoa cây cảnh này chính thức bị thu hồi, vựa hoa, cây cảnh sát Thủ đô đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Tuy nhiên, ngay sau khi đất canh tác đã bị thu hồi phục vụ dự án của Ecopark, với tay nghề cao cùng đầu óc kinh doanh nhạy bén, những người dân tại đây đã biến toàn bộ vùng đất bãi ngoài đê sông Hồng thường xuyên bị lũ lụt đe dọa sát đó thành vùng trồng hoa, cây cảnh không thua kém gì so với trước đây. Việc tôn cao, cải tạo vùng đất bãi cho thích hợp để trồng hoa và tránh lũ lụt đã ngay lập tức được các hộ dân bắt tay vào làm ngay: Nhà nhiều đất nhường cho nhà ít đất (hoặc cho thuê) để nhà nào cũng có đất canh tác.

Hiện nay, trên bãi sông Hồng khu Bãi và xóm Bến (thuộc xã Phụng Công) đã có tới trên 200 hộ chuyển ra đây canh tác trên đất của gia đình, đất thuê lại hoặc đất vỡ hoang. Từng mét đất được tận dụng kéo đến gần sát mép nước sông Hồng, các hệ thống đường giao thông được xây dựng vuông vắn như bàn cờ, rất thuận tiện cho việc chuyên chở hoa, cây cảnh.

img

Nông dân Văn Giang bên cánh đồng hoa mới. ảnh: K.G

Chỉ vào vườn lan đang trồng đón tết của nhà mình, ông Khương Đức Nghiêm cho biết: “Từ ngày đào Nhật Tân không còn thế độc tôn dịp tết, đời sống vật chất người dân cũng đã lên rồi, họ bỏ vài triệu đồng chơi chậu lan cũng không quá sức. Chúng tôi ngoài việc trồng những cây cảnh chính như đào, quất còn trồng cây hoa theo mùa, đáp ứng nhu cầu của thị trường như trồng hoa dây leo phù hợp với thời tiết nắng nóng, hoa mười giờ, hoa hồng tỷ muội. Mục đích của việc trồng những cây hoa dạng này là “lấy ngắn nuôi dài” dồn vốn để trồng hoa tết. Thậm chí có nhiều hộ  còn trồng cả cây công trình như sấu, sưa, hoa sữa… Tóm lại, thị trường cần loại cây, hoa gì thì dân Văn Giang cung cấp hết”.

“Nhiều loại hoa của chúng tôi không chỉ tiêu thụ trong nước mà như cây hoa lan còn xuất sang cả Nhật, hoa lan Văn Giang có mặt ở nhiều ngôi chùa trên cả nước, thậm chí còn xuất khẩu sang nước ngoài” - ông Nghiêm chia sẻ thêm.

Đặt niềm tin vào đôi tay mình

Nếu như trước đây, người trồng hoa Văn Giang chỉ chuyên các loại cây, hoa “thật đắt hoặc thật rẻ” không có loại lỡ cỡ về giá thì nay, nông dân Văn Giang chỉ trồng cây hoa trong chậu. Lý do rất đơn giản: Người dân dễ chạy lũ.

 Xứ sở hoa, cây cảnh Văn Giang được tái lập đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động quanh vùng (phần đông là nhưng phụ nữ luống tuổi bị thu hồi đất canh tác). Việc chăm sóc hoa thuê cũng tương đối nhẹ nhàng mà cho thu nhập khá. Cụ thể, người chăm sóc hoa thuê chỉ cần cẩn thận, tỉ mỉ, được nuôi ăn, tiền công 200.000  đồng/ngày.

Nhà nào tay nghề cao, đầu tư nhà vườn hiện đại thì trồng lan, cam canh, đào thế (có chậu lan, đào giá vài chục triệu đồng), nhà nào tay nghề hạn chế, đầu tư ít thì trồng hoa trạng nguyên, tầm xuân, hoa tuy-lip vào dịp tết... Vài chục nghìn đến trăm nghìn/chậu - nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Anh Nguyễn Văn Hùng (xã Phụng Công) đang vận chuyển gạch để xây tường cho khu vườn hoa trạng nguyên nhà mình cho biết: “Nhà tôi có 1 mẫu đất, bị thu hồi hết để phục vụ dự án, các cây cảnh lâu năm trên đất cũng tan tành. Gia đình chuyển ra đây, cả nhà chưa có vốn lớn đầu tư nên trước mắt tôi tạm trồng loại hoa “hàng chợ”. Sau đó, tôi sẽ lấy ngắn nuôi dài, trồng cây “hàng hiệu” xen lẫn cây giá rẻ, khi mình có tay nghề rồi, chỉ cần tận tâm, tận sức thì vẫn sống được. Tất cả nhờ đôi tay này mà thôi”.

 Bà Nguyễn Thị Sáu (xã Phụng Công) bị thu hồi hết toàn bộ 6 sào đất canh tác. Bà bảo dù buồn nhưng bà vẫn tìm được hơn 1 sào đất ngoài xóm Bãi để trồng hoa hồng, hoa mười giờ bán theo vụ đợi, đến tháng 8 âm lịch bắt đầu xuống giống hoa ly, hoa tuy-líp bán dịp lễ tết. Bà Sáu cho biết: “Lo nhất là đất bãi cũng đã hết sạch rồi mà trong làng vẫn có nhiều người chưa có được miếng đất để canh tác. Thực ra quanh đây cũng có nhiều vùng đất có thể thuê để trồng hoa, cây cảnh nhưng của “hàng hoa” này nặng tính thương hiệu lắm. Hai chậu hoa cùng chất lượng nhưng khác xuất xứ giá chênh lệch nhau nhiều lắm”.

Anh Trần Văn Cường (xã Phụng Công) chuyển nốt những chậu hoa cuối cùng để bốc lên xe đưa đi Vĩnh Phúc cho một vị khách vừa mới xây nhà mới cần được trang trí. Anh Cường cho biết: “Nói chung bà con ở đây đã dần bắt tay vào công việc sản xuất như trước khi bị thu hồi đất làm khu đô thị Ecopark. Việc thiếu quỹ đất cũng không phải điều đáng ngại nhất, chúng tôi có thể thuê đất ở quanh đây để canh tác. Tương lai, nơi đây sẽ vẫn là địa chỉ tin cậy cho giới chơi hoa, cây cảnh Hà Nội. Nông dân chúng tôi mong rằng sẽ được canh tác lâu dài tại vùng đất trồng hoa mới này”.

Đi qua khu đô thị Ecopark để về tới Văn Giang, rõ ràng, giờ đây, những dấu tích những ngày nông dân bị lôi kéo vào những việc chống đối chủ trương thu hồi đất không còn nữa. Xin được mượn lời nông dân Nguyễn Văn Hà, xã Xuân Quan rằng: “Nông dân thật lắm, một số người trong phút chốc thiếu tỉnh táo hoặc bị kích động chứ nông dân chỉ cần có đất, ai nấy đều muốn làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình”.