Dân Việt

Tổng Bí thư và việc cần làm ngay

Ngô Nguyệt Hữu 11/06/2016 06:00 GMT+7
Chiều tối 9.6, giới truyền thông loan đi văn bản chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một chỉ đạo làm nức lòng người.

Theo đó thì, “Giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương, Bộ Tài Chính, Kiểm toán Nhà nước, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khẩn trương kiểm tra, xem xét. Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng với các cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng kiểm tra, kết luận, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban Bí thư”.

Chỉ đạo này của Tổng Bí thư xoay quanh câu chuyện “Siêu xe Lexus biển số xanh của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh”. 

Cụm từ “việc cần làm ngay” khiến tôi nhớ đến 27 bài viết ngắn gọn, tập trung vào các hạn chế ở hiện thực, cần nhanh chóng chấn chỉnh tháo gỡ của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh in trên mục “Những việc cần làm ngay” của báo Nhân Dân.

Những bài báo của cố Tổng bí Thư Nguyễn Văn Linh rất ít chữ thế nhưng sức tác động thì cực kỳ to lớn. Và không phải ngẫu nhiên mà công cuộc đổi mới vào những năm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước lại hết sức gắn bó với cụm từ “Những việc cần làm ngay” này.

Ví dụ như bài viết mà tôi trích dẫn sau:

Một tấn xăng máy bay từ khi nhập vào cảng Hải Phòng đến khi đổ vào máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất đã phải trải qua tám nấc, do đó giá tăng vọt.Sau tám nấc này, máy bay phải trả một tấn xăng giá đắt gấp bốn lần so với khi nhập về cảng Hải Phòng, hơn nữa có khi phải trả bằng đôla.

Nếu việc trên là đúng thì rất mong các cơ quan hữu trách nên sửa ngay.

Nhiều vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu khác nghe nói cũng chạy lòng vòng và tăng giá như vậy trước khi đến cơ sở sản xuất kinh doanh. Nguy hại hơn nữa là tiền thu giá chênh lệch ấy không biết có chạy đủ vào ngân sách nhà nước không hay chạy vào túi ai?

Rất mong các cơ quan có thẩm quyền cần sửa ngay!”.

 Câu chuyện ông Trịnh Xuân Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang được đưa ra công luận khởi nguồn từ chiếc siêu xe Lexus mà ông Thanh sử dụng khi đi làm.

Theo phân trần của ông Thanh thì chiếc xe này ông Thanh mượn của người quen từ Hà Nội chuyển vào Hậu Giang. Trước đó, tỉnh Hậu Giang cũng muốn mua xe cho ông nhưng ông từ chối. Và để thuận lợi cho công việc, phía tỉnh cấp biển số xanh cho chiếc siêu xe của ông Thanh.

img

Chiếc xe Lexus của ông Trịnh Xuân Thanh được lắp biển xanh như xe công vụ.

Thế nhưng, chuyện không dừng lại ở việc một cán bộ cao cấp của tỉnh lại đi mượn siêu xe làm phương tiện đi lại, hay việc cấp biển số xanh tùy tiện của tỉnh Hậu Giang. Mà câu chuyện trở nên sôi động ở chi tiết, ông Trịnh Xuân Thanh từng làm Tổng Giám đốc, rồi Chủ tịch Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC). Trong vài năm đảm nhiệm cương vị này, ông Trịnh Xuân Thanh đã khiến PVC ngập ngụa trong khoảng lỗ hơn 3.000 tỷ đồng.

Ấy vậy mà, không biết bằng cách nào chỉ trong vòng 19 tháng (từ tháng 9. 2013 đến tháng 4.2015), ông Trịnh Xuân Thanh lại liên tiếp đảm nhiệm các chức vụ tại Bộ Công thương, như: Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương, Trưởng Đại diện tại thành phố Đà Nẵng; Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ Công Thương; Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương.

Để rồi không hiểu bằng cách nào đó từ tháng 5. 2015 cho đến nay, ông Trịnh Xuân Thanh lại là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ông Thanh vừa đắc cử Đại biểu Quốc hội trong cuộc bầu cử vừa qua.

Khi vững chắc ở cái ghế Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, chuyện Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam thua lỗ hơn 3.000 tỷ dưới thời của ông Trịnh Xuân Thanh bị lờ đi rất nhanh chóng.

Công tác tổ chức, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ là một trong những công tác vô cùng quan trọng và nhất định phải cẩn trọng ở bất cứ thể chế nào.

Vì vậy, việc ông Trịnh Xuân Thanh ngoạn mục thoát khỏi vũng lầy PVC để thênh thang đường quan lộ chắc chắn không thể không khiến dư luận đặt những câu hỏi nghi ngờ về lỗ hổng hay động cơ trong việc đề bạt cán bộ.

Trong chương trình hành động của ứng cử viên Đại biểu Quốc hội vừa qua, ông Trịnh Xuân Thanh có đưa ra 5 chương trình, một trong 5 chương trình đó chính là: “Tu dưỡng đạo đức, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, cục bộ địa phương, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội”.

Thế nhưng, giữa lời nói và hành động lại cách xa nhau một trời một vực. Riêng chuyện mượn siêu xe rồi chuyển qua biển số xanh để đi lại của ông Trịnh Xuân Thanh đã đủ hiểu ông tu dưỡng đạo đức và chống chủ nghĩa cá nhân đến đâu.

Tiền nhân đúc kết, “Một lần thất tín, vạn lần bất tin”. Vì vậy, tôi cho rằng cụm từ trong chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí Thư, “coi đây là việc cần làm ngay” chính là một tín hiệu mạnh mẽ cho công cuộc chấn chỉnh lại lề lối đề bạt cán bộ lãnh đạo.

Bởi như đồng chí Tổng Bí thư từng đã từng thẳng thắn nói: “Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều nhu cầu thiết yếu của quần chúng còn chưa được bảo đảm thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội”.

Ý Đảng lòng dân cũng nằm trong cụm từ chỉ đạo của Tổng Bí thư, “Coi đây là việc cần làm ngay”. Và việc cần làm ngay ấy không chỉ là vụ việc cá biệt của ông Trịnh Xuân Thanh.

Mong lắm thay!