Đó là quan điểm của chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn sau khi đọc xong bài viết mới nhất của vị đạo diễn sắc sảo nhận định “nhiều kẻ chỉ biết đàn ông khoái rượu mà không hề hiểu đàn bà rất khoái hy sinh”.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất.
Theo chuyên gia tâm lý An Chất, bài viết của đạo diễn Lê Hoàng với ý định tốt, không có gì phê phán. Nếu hiểu theo góc độ cho thì sẽ nhận thì chúng ta nên ủng hộ Lê Hoàng. Sự hy sinh của phụ nữ sẽ nhận lại điều gì? Nhận được sự thanh thản, vui vẻ, nhận được cái thầm cảm ơn từ những người thân quanh mình.
“Điều đáng tiếc trong bài viết Lê Hoàng nói ở góc độ gần như khuyên phụ nữ không nên làm như vậy. Người phụ nữ nếu như hiểu theo góc độ hy sinh sẽ thiệt thòi, mất mát cả thể chất lẫn tinh thần để phục vụ những người xung quanh mình. Nếu cho đó là sự hy sinh của phụ nữ là vô ích sẽ rất nguy hiểm” - ông Chất nói.
Thực tế, ông Chất cho rằng sự hy sinh luôn là là cần thiết. Ví dụ của sự hy sinh trong lịch sử có không ít những chàng trai cô gái của Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường để giành lại tự do, thống nhất đất nước. Sự hy sinh ở đây không đòi hỏi, hoàn toàn cần thiết. Nhưng nếu hiểu theo cách họ hy sinh sẽ được hưởng những gì là điều hoàn toàn khác và không nên.
Trong bài viết của Lê Hoàng đề cập đến sự hy sinh trong gia đình. “Nếu hiểu theo góc độ của Lê Hoàng sợ rằng một số người sẽ nghĩ rằng ta không nên hy sinh nữa vì nghĩ đó là mất mát. Vì bài có đề cập người vợ lo cả giặt giũ quần áo, nhặt rau, nấu cơm cho chồng con. Vợ ăn mặc nhếch nhác và ngược lại người chồng áo quần chưng diện ngay ngắn… Nói như vậy sợ rằng một số người đọc hiểu sai, hiểu khác đi và người ta nghĩ không nên tiếp tục hy sinh nữa. bài viết của Lê Hoàng nếu chỉ có bấy nhiêu, câu chuyện chỉ có vậy thôi e rằng nhiều người đọc không chu đáo, hiểu không cặn kẽ được ý của tác giả sẽ đưa ra quan điểm “lệch” đi ý tốt của đạo diễn” - ông Chất phân tích.
Ông Chất cho rằng, sự hy sinh phải từ hai phía, chồng có thể ra chiến trường, đi vào thương trường, tham gia những công việc sáng tạo, phát minh ngày đêm quên ăn, quên ngủ để đem lại vinh quang, tự hào cho vợ cho con. Người vợ chăm lo cho đời sống của chồng con làm nhiệm vụ “hậu phương cho tiền tuyến chiến đấu”. Phải hiểu rằng, mình hy sinh cho chồng con và sẽ nhận lại những điều khác cao quý.
Chuyên gia tâm lý đánh giá bài viết của đạo diễn Lê Hoàng có điểm rất hay, rất đúng mang tính khuyên răn người phụ nữ không nên hy sinh quên mình. Quên mình ở đây được hiểu là quên nhưng điều bình thường nhất trong cuộc sống. Còn quên mình vì đất nước, vì Tổ quốc lại là một chuyện khác. Trong bài viết, đạo diễn đề cập đến sự hy sinh trong vấn đề ăn mặc ở, hưởng thụ của người phụ nữ so sánh với 1 thú vui của đàn ông.
Cho nên, bài viết dễ đi vào nhận thức của độc giả rằng: Đàn ông - người chồng dễ lãng quên vợ mình để tìm đến những thú vui khác và chỉ biết hưởng lạc. Ngược lại, vợ vùi đầu vào công việc hy sinh thời gian, tuổi xuân để phục vụ chồng, con. Chắc chắn sẽ có những người đọc lướt qua đọc không chu đáo sẽ hiểu theo góc độ khác.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, không nên ném đá Lê Hoàng vì anh viết theo góc độ hiện thực. Cái hay qua bài viết là nhà văn dùng cách “tung” sự việc lên để độc giả mỗi người có môt cách hiểu riêng, tùy theo cảm xúc người đọc không phải theo một định hướng, chuẩn mực nào.
“Xu hướng chung của độc giả Việt Nam quen cách định hướng. Theo tôi, qua bài viết này Lê Hoàng đưa ra một thông tin để mọi người có thể suy ngẫm, tranh luận, cùng tọa đàm với nhau để đem lại những lợi ích chung cho cả hai giới. Đạo diễn thông điệp cho những đứa con phải thầm cảm ơn mẹ vì đã hy sinh cho gia đình. Thông điệp gửi đến những người chồng phải biết trân trọng những người người phụ nữ đang hy sinh cho mình. Thông điệp đến những người phụ nữ nên hy sinh ở mức độ nào. Không phải hy sinh cho chồng uống rượu say bét nhè, hy sinh cho chồng ăn mặc đẹp đẽ rồi mình ăn mặc lôi thôi, bẩn thỉu. Từ đó để người phụ nữ nhận thấy mình cũng nên ăn mặc chỉnh tề, lịch sự để gìn giữ tinh thần cho mình nữa” - ông Chất nói