Nhiều người dân miền xuôi khi chứng kiến không khỏi "mắt tròn mắt dẹt" khi nhìn thấy dụng cụ tự tạo để bắt ba ba sống tự nhiên ở ngoài sông, suối của đồng bào thiểu số ở một số huyện miền núi trong tỉnh Quảng Ngãi.
Ba ba suối
Qua quan sát thì chỉ bằng vật dụng có sẵn là rổ bằng nhựa hoặc tre, người ta úp rổ vào nhau rồi dùng sợi cước hay kẽm nhỏ quấn giữ để làm lồng. Ở một bên đầu của lồng, người dân khoét một cái lỗ để nhử ba ba chui vào.
Lồng tự tạo để bắt ba ba được làm bằng 2 rổ (tre hoặc nhựa) úp vào nhau
Tùy theo mục đích là nhử bắt ba ba có kích cỡ lớn hay nhỏ thế nào, mà người làm lồng có sự tính toán để khoét lỗ phía trên khác nhau, với đường kính thường từ 10-20cm.
Phía trên lồng được khoét lỗ để nhử ba ba vào
Trước khi mang lồng đi thả, người dân thường dùng cá ươn trộn với cơm nguội rồi vo tròn thành từng cục to cỡ chừng nửa nắm tay và bỏ vào phía trong để làm mồi. Vị trí đặt lồng thường là những vũng nước ven bờ ở vị trí dòng chảy yếu của các con sông suối, với độ sâu từ 0,5-1m .
Để lồng khỏi bị dòng nước dịch chuyển và cuốn đi, người dân thường dùng dây cột lồng với bụi cây, hay tảng đá ở trên bờ. Sau khi thả từ 1-3 ngày, người dân lại đi thăm một lần.
Vị trí thả lồng thường là vùng nước ven bờ, nơi dòng chảy yếu
Dù cách bắt trông đơn giản như vậy, thế nhưng nhiều người dân đều khẳng định rất hiệu quả. "Chỉ với số lồng thả 4-6 cái, có tuần tôi bắt được gần cả chục con ba ba có trọng lượng từ 0,5-1kg/con" - ông Hồ Văn Nhiêu (40 tuổi, ở xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng) hồ hởi khoe.
Số ba ba suối bắt được bằng lồng tự tạo
Cũng theo người dân các huyện miền núi, việc bắt ba ba bằng lồng theo cách trên chủ yếu để mang về chế biến làm thức ăn cho gia đình hoặc làm mồi nhậu với bạn bè, vì vậy số lượng lồng làm thả chỉ 3-5 cái/người và cũng không nhiều người tham gia bắt ba ba bằng hình thức này nên không lo vấn đề "tận diệt".