Dân Việt

Bí thư Thăng: Không thể đánh giá chất xám nhà khoa học bằng cách đếm chữ

Hứa Phương 13/06/2016 13:30 GMT+7
“Không thể đánh giá chất xám của các nhà khoa học bằng cách đếm số chữ, số trang giấy mà phải dựa vào chất lượng của công trình phản biện”.

Đó là phát biểu của ông Đinh La Thăng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM - trong buổi làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật TP.HCM sáng 13.6.

img

Ông Đinh La Thăng trong buổi làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật TP.HCM.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Phan Minh Tân - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM - cho rằng, cách trả kinh phí phản biện hiện nay là không khoa học khi tính theo số trang giấy. Vấn đề nằm ở chỗ chất lượng công trình phản biện chứ không phải đếm số trang. Chuyện này phải tính sòng phẳng với nhà khoa học, theo kinh tế thị trường.

“Nên để Liên hiệp vào cuộc ngay khi bắt đầu thành lập dự án, thẩm định dự án chứ không phải khi dự án được duyệt rồi Liên hiệp mới phản biện thì không hiệu quả”, ông Tân nói thêm.

Về vấn đề chi phí phản biện, Bí thư Thăng đề nghị các sở ngành phối hợp rà soát lại và chủ động đề xuất.

“Tôi đồng tình với ý kiến là không thể đánh giá chất xám của các nhà khoa học bằng cách đếm số chữ, số trang giấy mà phải dựa vào chất lượng công trình phản biện. Tuy nhiên làm thế nào để đánh giá sát nhất thì không phải đơn giản, đề nghị các nhà khoa học phối hợp cùng sở ngành thống nhất tiêu chí đánh giá này”, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM chỉ đạo.

Trước đó, GS.TS khoa học Nguyễn Ân Miên - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật thủy lợi TP.HCM - thắc mắc thủ tục chuyển giao khoa học công nghệ hiện nay còn nhiều khó khăn.

“Tiến sĩ Phạm Ngọc Sơn có nghiên cứu, chiết xuất được tinh dầu trầu không bằng nguyên liệu lấy ở Hóc Môn, Bến Tre có tác dụng phòng, chữa nhiều bệnh, nhưng khi đưa lên Bộ Y tế thì lại vướng, đến nay chưa thể thương mại hóa đưa sản phẩm ra thị trường được”, ông Miên nói.

Cũng theo GS Miên thì điều làm ông lo lắng nhất hiện nay là TP.HCM đang đối diện với “quả bom nước” của hồ Dầu Tiếng. Đây là hồ lớn, có sức chứa khoảng 1,5 tỷ mét khối, nếu hồ xảy ra sự cố thì thành phố sẽ bị ngập và năm 1986 thành phố đã phải hứng chịu vấn đề này.

Trả lời về vấn đề hồ Dầu Tiếng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm và hằng năm đều có làm việc với Bộ NNPTNT, sau đó có báo cáo gửi Thủ tướng.

Cũng tại buổi làm việc này, Bí thư Thăng nhấn mạnh, hoạt động khoa học, ứng dụng công nghệ vào sự phát triển của TP.HCM luôn là mục tiêu hàng đầu. “Làm sao huy động được mọi nguồn lực trí thức trong công cuộc phát triển của thành phố trở thành đầu tàu của cả nước, là trung tâm kinh tế tài chính của cả nước và khu vực như Nghị quyết Đảng bộ đã đề ra”, Bí thư Thăng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM chỉ đạo Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Tài chính và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố phải cùng ngồi lại với nhau bàn cách giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại. Bên cạnh đó UBND thành phố phải rà soát lại cơ chế chính sách đề án cụ thể những chỉ đạo trước đây của lãnh đạo xem có cần bổ sung gì không và công bố công khai để các nhà khoa học lựa chọn, tập trung nghiên cứu phục vụ người dân và thành phố.