Vụ xả súng điên cuồng tại hộp đêm Pulse ở thành phố Orlando, bang Florida ngày 12.6 đã khiến ít nhất 50 người chết và 53 người bị thương. Đây là vụ xả súng chết nhiều người nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Để đáp ứng nhu cầu máu cho các ca phẫu thuật cứu nạn nhân bị thương trong vụ xả súng này, rất nhiều người đã tham gia hiến máu. Tuy nhiên, đại đa số người đồng tính nam và song tính lại không được phép cho máu của mình.
Vụ xả súng điên cuồng khiến nhiều người chết và bị thương tại Mỹ (ảnh: Reuters)
Trước đó, năm 1983, Mỹ ban hành đạo luật người đồng tính hoàn toàn không được phép hiến máu. Đến năm 2015, FDA (cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) bắt đầu áp dụng “chính sách 1 năm”, chỉ có những người đồng tính nam không có quan hệ tình dục trong một năm mới đủ điều kiện hiến máu, bao gồm cả những người đồng tính nam trong các mối quan hệ đơn thê hay yêu xa.
Trước nhu cầu máu lớn của 53 nạn nhân bị thương trong vụ xả súng, nhiều cá nhân trong một tổ chức ủng hộ đồng tính nam đã chia sẻ trên Facebook và Twitter rằng, sẽ không ai bị từ chối hiến máu. Nhưng, One Blood – trung tâm hiến máu đã lên tiếng phủ nhận mọi thay đổi trong chính sách đã đề ra.
Việc người đồng tính nam bị cấm tham gia hoạt động hỗ trợ này khiến nhiều người bức xúc vì cho rằng, đó là kỳ thị giới tính. Biết đến thông tin này, nhiều bạn trẻ Việt cũng lên tiếng phản đối sự “phân biệt” đó, thậm chí, một số ý kiến còn cho rằng, đây là một trong những hành động thể hiện sự thiếu tôn trọng giới LGBT.
“Sao vô lý vậy, phân biệt đến mức thái quá, với tôi họ đều là người bình thường, máu của họ cũng như máu của mọi người khác”, một nick name bức xúc.
“Đến hiến máu cũng bị phân biệt. Máu của người đồng tính chứ có phải máu của người mắc bệnh truyền nhiễm đâu mà không cho người ta hiến, trong khi người bị thương thì đang cần máu”, một nick name khác bình luận.
Liệu việc hạn chế người đồng tính hiến máu có phải là đạo luật thể hiện sự kỳ thị với giới LGBT? Chúng tôi đã liên hệ với GS. TS Nguyễn Anh Trí (Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) để trao đổi về vấn đề này.
GS.TS Nguyễn Anh Trí khẳng định, việc hạn chế người có quan hệ đồng tính hiến máu là dựa trên cơ sở khoa học
G.S Trí từ chối bàn luận về việc đúng sai trong đạo luật của FDA nhưng xét về mặt khoa học, ông cho hay, những người đồng tính thường có tính dục không an toàn, dễ bị lây nhiễm một số bệnh lây qua đường tình dục, đặc biệt là HIV, HBV và HCV.
Mặc dù, số máu lấy được đều được xét nghiệm để sàng lọc các bệnh trên nhưng tất cả đều có “khoảng cửa sổ” là khoảng mà kỹ thuật hiện đại vẫn không có thể phát hiện được. Do vậy, rất có thể bị bỏ sót, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho người được sử dụng máu.
GS Nguyễn Anh Trí khẳng định, việc hạn chế để người có quan hệ đồng tính hiến máu là hợp lý. Nguyên nhân xuất phát từ những lo ngại về bệnh truyền nhiễm. Quy định này là dựa trên cơ sở khoa học nên không chỉ ở Mỹ mà tất cả các nước trên thế giới đều như vậy.
Mặt khác, thực tế trong xã hội chỉ cần khoảng 2-5% dân số hiến máu hàng năm là đủ máu dùng cho cả quốc gia (kể cả khi khẩn cấp), nên không cần thiết phải đề nghị những người có nguy cơ cao phải hiến máu. Ông cho rằng, làm như vậy là tôn trọng, là hiểu biết và là chia sẻ với người đồng tính.