Ngay sau khi nhận được thông báo của UBND TP. Hạ Long, các hộ ông Lại Văn Kiêm, Đỗ Hữu Vinh, Phạm Hoàng Thưởng (Tổ 3, khu 2, phường Yết Kiêu) hết sức vui mừng vì được cấp lại điện nước sau 8 tháng.
Nhưng ngay sau đó, các hộ dân này lại tiếp tục phản ánh sự bất bình. Vì lẽ, trong thông báo số 2962 ngày 10.6 của UBND TP. Hạ Long, mục 1 ghi: “Giao phòng TNMT tham mưu UBND thành phố cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các ông Lại Văn Kiêm, Đỗ Hữu Vinh, Phạm Hoàng Thưởng tại các thửa đất tái định cư, ô số 14 lô A2, ô số 1 lô A2, ô số 3 lô A3 khu quy hoạch đầm thủy sản Yết Kiêu và được ghi nợ nghĩa vụ tài chính trên giấy chứng nhận QSDĐ, thời hạn được ghi nợ nghĩa vụ tài chính là 4 năm (kể từ ngày 18.10.2012 đến 18.10.2016)”.
Văn bản chỉ đạo của UBND TP. Hạ Long không hề có ý kiến gì sau 8 tháng cắt điện nước vô căn cứ với 3 hộ dân, lại tiếp tục gây khó dễ.
Theo các hộ dân, thông báo này thêm một lần nữa làm khó cho họ. Bởi lẽ, cả 3 hộ dân đều đã có đơn đề nghị được ghi nợ tối đa (theo khoản 8 Điều 2 Nghị định số 120/2010/NĐ-CP) là 5 năm, không hiểu UBND TP. Hạ Long căn cứ vào lý do gì để không chấp nhận, mà chỉ cho 3 hộ dân này được ghi nợ 4 năm, nghĩa là thời hạn chỉ còn 4 tháng nữa. Trong khi đó, thực tế cả 3 hộ gia đình ông Kiêm, Vinh và Thưởng đều rất khó khăn, nhất là sau khi được giao đất, do mức bồi thường hạn chế, lại bị bắt buộc phải xây nhà kiên cố theo quy hoạch, nên điều kiện kinh tế của các hộ đến nay đều suy kiệt.
Trao đổi với PV, ông Phạm Hữu Vinh chia sẻ: “Chúng tôi không ép chính quyền phải có lời xin lỗi, hay đền bù thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, tinh thần sau 8 tháng bị cắt điện nước vô căn cứ, cũng không đòi ghi nợ nghĩa vụ nộp thuế quá hạn, mà chỉ đề nghị được ghi nợ thời hạn tối đa 5 năm theo Nghị định 120 của Chính phủ. Vậy mà những đề nghị chính đáng ấy, sao cứ bị đè nén, gây khó dễ quá!”.
Khoản 8 Điều 2 Nghị định số 120/2010/NĐ-CP ngày 30.12.2010 của Chính phủ quy định: “...Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà chưa có khả năng tài chính để nộp tiền SDĐ có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi “Nợ tiền sử dụng đất” trên giấy chứng nhận QSDĐ. Khi thanh toán nợ, người SDĐ phải nộp tiền SDĐ theo giá tại thời điểm cấp giấy chứng nhận QSDĐ và được trả dần khi có khả năng về tài chính, trong thời hạn tối đa là 5 năm; sau 5 năm mà chưa trả hết nợ tiền SDĐ thì người SDĐ phải nộp tiền SDĐ theo giá đất tại thời điểm trả nợ”. |